Bức tranh bán lẻ điện tử ảm đạm trong quý I
Trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm, các chuỗi bán lẻ công nghệ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop đều đang phải gồng mình hi sinh lợi nhuận để ưu tiên giữ thị phần, ổn định kênh bán hàng.
Được xem là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm kĩ thuật số tại Việt Nam, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã có khởi đầu năm 2023 khó khăn như ban lãnh đạo công ty từng dự đoán khi doanh thu thuần trong quý 1/2023 chỉ đạt 26.990 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Trong đó, chuỗi thegioididong.con và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 giảm 34% so với cùng kỳ 2022. Phía Thế Giới Di Động cho biết, doanh thu hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25% đến 35%, ngoại trừ máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh hơn từ 40% đến 50%.
Dù đã nỗ lực tối ưu các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động vẫn giảm tới hơn 98%, từ mức 1.445 tỷ đồng xuống còn hơn 21 tỷ đồng trong quý 1/2023, và là quý kinh doanh có lợi nhuận sau thuế thấp kỉ lục của MWG trong vòng 10 năm nay.
Để khắc phục tình trạng trên, phía Thế Giới Di Động cho biết đã triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để bán hàng. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp trong quý 1 chỉ còn 19,2%, trong khi mức bình quân của năm ngoái là 23%
Đặc biệt, với các dòng sản phẩm Apple dẫn dắt doanh thu bán lẻ điện tử, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động khẳng định sẽ có điều chỉnh về giá bán sát hơn với đối thủ, đồng thời dự báo một cuộc đua về giá trong tương lai gần.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail cho rằng, cuộc đua hạ giá bán lẻ điện tử là không tránh khỏi trong giai đoạn thị trường khó khăn. Nhưng về lâu dài, cuộc chiến về giá không phải là bài toán hay.
Thực tế, phía FPT Retail đang chịu tác động lớn từ áp lực giảm cầu, do đó công ty cũng đã phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple.
Điều này đã phản ánh trực tiếp vào kết quả kinh doanh của FPT Retail trong quý 1/2023 với doanh thu đạt 7.753 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế FPT Retail chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với quý 1/2022.
Trong đó, doanh thu của chuỗi bán lẻ điện tử FPT Shop đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ, về mức 4.513 tỷ đồng. Để tránh cuộc chiến về giá, FPT Retail đã tập trung mở rộng ngành hàng bán lẻ, khi dồn lực mở chuỗi FPT Long Châu nâng quy mô chuỗi này lên đến 1.056 nhà thuốc.
Nhờ đó, doanh thu FPT Long Châu đạt 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với quý 1/2022. Tuy nhiên, công thức của Long Châu cũng vẫn xoay quanh cuộc đua về giá, khi công ty duy trì chính sách giá rẻ với 80% sản phẩm có mặt bằng giá thấp hơn các công ty khác.
Tương tự, bức tranh ảm đạm ngành bán lẻ điện tử cũng phủ bóng tối lên tình hình kinh doanh của Công ty Thế giới số (Digiworld), khi doanh thu trong quý 1/2023 của công ty ước đạt 3.960 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu mảng máy tính bảng, máy tính xách tay và điện thoại của Digiworld đều giảm 51% so với cùng kỳ. Trong khi mảng thiết bị gia dụng có tăng trưởng mạnh 158% đạt 165 tỷ đồng. Lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng ghi nhận doanh thu tăng 69% lên 120 tỷ đồng.
Với việc sụt giảm doanh thu, Digiworld cũng ước tính lợi nhuận quý 1/2023 sụt giảm 63% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt khẳng định, Digiworld sẽ giảm lợi nhuận để ưu tiên giữ thị phần, ổn định kênh phân phối cũ và xây dựng kênh phân phối cho các sản phẩm mới.
Ông Việt tin rằng thị trường tiêu thụ nói chung sẽ phục hồi nhưng không đáng kể. Digiworld sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại từ năm 2024 ở những ngành hàng hiện hữu và sự đóng góp của những ngành hàng mới.
"Sức mua của người tiêu dùng có thể sẽ có phục hồi ở nửa sau 2023 nhưng không nhiều và sẽ trở lại bình thường vào nửa sau 2024, do áp lực lãi suất cao", vị này dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận