Bán cổ phần để trả nợ trái phiếu doanh nghiệp
Lượng trái phiếu đến hạn cuối năm 2022 và sang 2023, 2024 đang rất lớn.
Mới đây, Tập đoàn NovaGroup (NovaGroup) cũng đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVL của công ty con là CTCP Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) bằng phương thức giao dịch thỏa thuận.
Theo đó, sau giao dịch, lượng cổ phiếu NovaGroup nắm giữ sẽ giảm xuống còn 560.9 triệu, tương đương 28.768% vốn điều lệ. Theo NovaGroup, mục đích của giao dịch này là bổ sung nguồn vốn thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn.
Còn Phát Đạt sẽ chuyển nhượng gần 90% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình - chủ đầu tư dự án “Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến”. Đây là dự án mới về tay Phát Đạt sau khi công ty chuyển nhượng thành công dự án Astral City và mang về 3,340 tỷ đồng tiền mặt. Việc chuyển nhượng này với mục đích tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.
Đây cũng chỉ là phần nổi mà chúng ta nhìn thấy, thực tế làn sóng chuyển nhượng để thu hồi vốn trả trái phiếu đến hạn đã diễn ra mạnh mẽ từ đầu năm nay. Động thái bán lượng lớn cổ phần kể trên diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của các doanh nghiệp đang hết sức cam go.
Trong báo cáo trái phiếu doanh nghiệp công bố hồi tháng 10, Chứng khoán VCBS ước tính khối lượng đáo hạn TPDN tập trung nhiều vào 2023 - 2024, vào khoảng 790 ngàn tỷ đồng. Riêng trong quý 4/2022, con số này đạt 85 ngàn tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53.4%), bất động sản (chiếm 27%).
Khi trái phiếu đến hạn, doanh nghiệp có thể xử lý nợ trái phiếu bằng nguồn tiền có sẵn, phát hành thêm, bán tài sản, trước hết là tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, đàm phán gia hạn nợ. Một số doanh nghiệp bất động sản còn tự tìm cách xử lý như đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản…
Tuy nhiên, đối với trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, khó có thể sử dụng cách phát hành đảo nợ hay đàm phán gia hạn.
Niềm tin của người dân vào trái phiếu doanh nghiệp từ sau biến cố Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát gần như không còn, dẫn tới làn sóng tháo chạy khỏi trái phiếu.
Thị trường đã bị thu hẹp đáng kể sau những vụ khởi tố các chủ doanh nghiệp với cáo buộc lừa đảo khiến nhà đầu tư mất lòng tin cộng với quy định thủ tục phức tạp hơn của Nghị định 65 khiến doanh nghiệp khó lòng phát hành mới để đảo nợ. Đồng thời, lãi suất đang tăng cao làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay nếu doanh nghiệp phát hành mới.
Khủng hoảng niềm tin dẫn tới một áp lực thanh khoản khác: trái chủ yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn. Theo VMBA, tính từ đầu năm tới 18/11/2022, tổng giá trị trái phiếu được mua lại là hơn 159.4 ngàn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu thống kê cho thấy, xu hướng mua lại trái phiếu được đẩy mạnh từ tháng 6/2022.
Hai áp lực này khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu tìm nguồn tiền để trả cho trái chủ. Trong thời gian ngắn, để kiếm được nguồn tiền đáo hạn trái phiếu và mua lại trái phiếu trước hạn không phải dễ, nhất là với những đợt phát hành có quy mô hàng ngàn tỷ đồng.
Có lẽ vì thế mà nhiều chủ tịch phải bán bớt đi cổ phần đang nắm giữ ở các doanh nghiệp, vì đây là nguồn tiền có thanh khoản cao nhất hiện tại, bất chấp việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch nắm giữ cũng như vị thế của họ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận