Áp lực bán sẽ đẩy VN-Index về vùng hỗ trợ 1.270 - 1.275 điểm?
Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch ngày 6/6 tương tự như 2 phiên trước đó khi VN-Index mở cửa tăng lên vùng 1.290 điểm sau đó rung lắc trong phiên sáng với thanh khoản giảm trước khi áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên chiều khiến cho các chỉ số quay đầu giảm.
VN-Index đóng cửa giảm 0,79 điểm (0,06%) tại 1.283,56 điểm, HNX đóng cửa tại 244,18 điểm, giảm 0,31 điểm, tương ứng giảm 0,13%. Độ rộng thị trường tại sàn HOSE vẫn duy trì như phiên trước đó khi có 154 mã tăng giá, 57 mã tham chiếu và 165 mã giảm giá. HNX giao dịch với 76 mã tăng giá, 60 mã tham chiếu và 95 mã giảm giá.
Thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm so với phiên giao dịch hôm qua, đặc biệt tại HNX (-24%). Khối ngoại sau phiên mua ròng nhẹ hôm qua đã quay lại đà bán ròng mạnh với 741,11 tỷ đồng tại HOSE tập trung vào các mã FPT (-223 tỷ), TCB (-115 tỷ), MWG (-91,82 tỷ) và VNM (-72,68 tỷ), mua ròng tại MSN (+64,4 tỷ), SHB (+22,12 tỷ). Trên sàn HNX, khối này bán ròng nhẹ với 0,92 tỷ đồng, tập trung tại các mã CEO (-3,57 tỷ), LAS (-3,27 tỷ) và DTD (-3,16 tỷ), mua ròng PVS (+14,66 tỷ).
Sau phiên giao dịch kém tích cực hôm qua, ngân hàng là ngành hỗ trợ chính cho chỉ số với mức tăng +2,81 điểm với động lực đến từ các mã như STB (+3,7%), TCB (+1,1%), SHB (+2,6%), TPB (+1,4%), LPB (+1,4%). Trong khi đó nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống có sự điều chỉnh sau phiên tăng mạnh trước đó với SAB (-0,2%). VNM (-1,9%), SBT (-1,2%), DBC (-1%), BNA (-3,1%)…
Trong khi những cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khác kém khởi sắc như VGC (-1,4%), SZC (-1,3%), IDC (-0,8%)...thì BCM (+1,6%) duy trì tích cực sau khi công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 27/6 tới đây, trong đó BCM dự định bổ sung thêm ngành nghề mới là sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo và xem xét việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 34%.
Ghi nhận trong phiên hôm nay, một số ngành khác cũng chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành bất động sản với NLG (-3,1 %), LGL (-2,7%), NTL(-1,7%), HDC (-1,6%), KDH (-1,5%)... nhóm ngành hóa chất cũng có sự điều chỉnh với DGC (-1,7%), CSV (-0,9 %)... Nhóm ngành vốn được nhiều sự quan tâm là chứng khoán phiên hôm nay cũng có sự điều chỉnh nhẹ với HCM (-1,5%), BSI (-1,4%), MBS và VCI cùng (-0,9%), VND (-0,8%)...
Diễn biến VN-Index trong thời gian qua
Mở thêm một phần tỷ trọng trading quay vòng trong các nhịp điều chỉnh
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Dòng tiền hưng phấn gia tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu trụ chưa thể giúp VN-Index bứt phá ra khỏi vùng dao động quanh đỉnh, cho thấy lượng cung tiềm tàng vẫn còn tương đối lớn. Mặc dù vậy, lực cầu bắt đáy trong phiên vẫn chủ động đẩy giá lại, giúp chỉ số tránh được nhịp giảm sâu. Diễn biến giằng co này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong những phiên tới.
Tuy nhiên, với việc xu hướng tăng điểm vẫn đang được bảo lưu, VN-Index sẽ có cơ hội vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm để tiến tới vùng cản trung hạn quanh 1.330 (+/-10) điểm sau các nhịp vận động tích lũy. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở, có thể kết hợp trải lệnh mua, mở thêm một phần tỷ trọng trading quay vòng trong các nhịp điều chỉnh.
Phá vỡ xu hướng giằng co
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index tiếp tục đi ngang trong ngày hôm nay và đóng cửa tại mốc 1.283,56 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành du lịch và giải trí dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành bảo hiểm, hóa chất,… Ở chiều ngược lại, ngành ngân hàng có phiên giao dịch tích cực.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Trong những phiên giao dịch tới, VN-Index cần một cây nến chỉ hướng để phá vỡ xu hướng giằng co tại vùng đỉnh trung hạn hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn vẫn hướng lên
Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Phiên hôm nay thị trường tiếp tục có kịch bản như những phiên trước đó, tăng trong phiên sáng và gặp lực bán ở phiên chiều. Điểm tích cực trong phiên hôm nay là việc thị trường tiếp tục giữ được vùng giá trên 1.280 điểm, cho thấy mặc dù lực bán xuất hiện nhưng xu hướng trong ngắn hạn vẫn đang hướng lên những vùng điểm số cao hơn.
Nhà đầu tư chỉ nên mở vị thế nếu 1 trong 2 kịch bản: quay trở lại hỗ trợ 1.250 điểm hoặc tăng giá phá vỡ vùng kháng cự 1.300 điểm xảy ra. Đáng chú ý, phiên 7/6 sẽ là phiên kết thúc nến tuần, với vị thế đầu tuần tăng mạnh như hiện tại. VN-Index cần có một phiên tăng với thanh khoản mạnh để duy trì đà tăng trên cả khung đồ thị tuần lẫn đồ thị tháng.
Khả năng vẫn sẽ tích luỹ quanh biên độ 1.260-1.280 điểm
Chứng khoán Asean
Chỉ số VN-Index kết phiên giảm điểm do thị trường bất ngờ trở nên bi quan hơn về cuối phiên với áp lực cung gia tăng vào nửa sau phiên chiều khiến thị trường vẫn không thể thoát khỏi trạng thái giằng co quanh vùng đỉnh cũ.
Đáng chú ý hơn, thanh khoản thị trường trở lại mức thấp cho thấy áp lực tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở vùng đỉnh cũ và thị trường khó có được sự đồng thuận để chỉ số bứt phá.
Do đó, Asean cho rằng yếu tố thanh khoản sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn này và thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tích luỹ quanh biên độ 1.260-1.280 điểm.
Ưu tiên vị thế mua khi VN-Index lùi về 1.270-1.275 điểm
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Phiên giảm điểm phiên hôm nay không quá bất ngờ vì áp lực bán đã có tín hiệu xuất hiện trong cuối phiên hôm qua. Dù vậy xét về nhóm ngành thì sắc xanh vẫn nhỉnh hơn với 11/21 nhóm ngành tăng điểm.
Phiên giảm cũng có biên độ không lớn, thanh khoản cũng ở vừa mức trung bình nên chưa phá vỡ cấu trúc hồi phục đã hình thành trước đó. Áp lực bán khả năng vẫn gia tăng trong phiên tới, nhưng CSI vẫn bảo lưu quan điểm nắm giữ, vì tín hiệu đảo chiều chưa được xác nhận. Khả năng cao áp lực bán sẽ đẩy VN-Index về vùng hỗ trợ 1.270-1.275 điểm và tại vùng này nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế mua, gia tăng thêm tỷ trọng ở những mã đang có lợi nhuận trong danh mục.
Hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Với diễn biến thị trường hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng từ 60-70% danh mục đối với những cổ phiếu đang có xu hướng tích lũy tốt và giữ vững được vùng hỗ trợ thuộc các nhóm ngành như điện, ngân hàng, bán lẻ. Tuy nhiên, cần hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại để hạn chế tối đa rủi ro điều chỉnh T+ và nên kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu rõ ràng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận