8 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 2 tỷ USD
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,19 triệu tấn, trị giá 2 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt khoảng 210 nghìn tấn, trị giá 320 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 tăng 11% về lượng và tăng 3% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân cao su trong tháng 8/2022 đạt 1.523 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 7/2022 và giảm 7,2% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,19 triệu tấn, trị giá 2 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 7,73 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Malaysia và Hàn Quốc giảm, trong khi trị giá nhập khẩu cao su từ các thị trường Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thông tin từ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,18 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 chiếm 15,4%, cao hơn so với mức 15,3% của 7 tháng đầu năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,01 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 32,1% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 34,3% của 7 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cho xuất khẩu mủ cao su và cao su sơ chế của Việt Nam 5 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bởi chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong năm 2022.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 8/2022, giá mủ cao su nguyên liệu giảm so với tháng 7/2022. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 285-290 đồng/TCS, giảm 5-17 đồng/TCS so với cuối tháng 7/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 293-295 đồng/ TSC, giảm 18 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2022. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 265-275 đồng/TSC, giảm 20 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2022.
Hỗ trợ nâng tầm thương hiệu ngành cao su Việt Nam
Chiều 31/8 vừa qua, tại Tp.HCM, Hiệp hội Cao su Việt Nam ký kết hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, phát triển "nhãn hiệu Cao su Việt Nam – Viet Nam Rubber".
Theo biên bản ký kết hợp tác, hai bên ưu tiên phối hợp thực hiện đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, sản phẩm ngành cao su. Trong đó, phát triển thương hiệu ngành cao su thông qua nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam - Viet Nam Rubber" ở trong và ngoài nước, qua đó nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho Hiệp hội Cao su Việt Nam và doanh nghiệp của ngành để đáp ứng xu hướng xúc tiến thương mại trên môi trường số và xúc tiến thương mại đa kênh.
Theo Báo Chính phủ, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam/ Viet Nam Rubber" được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trong nước từ năm 2014 và được công bố sử dụng vào năm 2016. Ngoài ra, nhãn hiệu này đã được đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm là: Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Lào, Trung Quốc và Campuchia. Tính đến nay đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này và được ghi nhận/nhận diện tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su nhưng đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán cao su của Việt Nam lại thấp hơn các nước trong khu vực do khách hàng chưa tin cậy và sự ổn định chất lượng và uy tín của thương mại của doanh nghiệp. Do đó, việc nâng tầm thương hiệu ngành cao su Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại, sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu ngành cao su Việt Nam trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, gia tăng sự nhận biết của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng cuối cùng về các sản phẩm mang nhãn hiệu "Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber".
Ông Vũ Bá Phú cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cao su cần chủ động thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của thế giới để tránh bị động trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường