menu
19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ
Đỗ Văn Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành quản lý.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký văn bản số 141 ngày 6/12 về kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về các bộ quản lý ngành. Đơn vị này sẽ được nghiên cứu mô hình tổ chức mới theo hướng trực thuộc Chính phủ.

Với một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp than - khoáng sản, Tổng công ty Đường sắt, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam... sẽ chuyển tổ chức đảng về trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

Trong Hội nghị tổng kết của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 6/12, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đề cập tới Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo ông Phớc, định hướng sáp nhập, chia tách các đơn vị nhằm giúp bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, tinh gọn hơn.

Theo kế hoạch, một bộ phận của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ về bộ ngành, một bộ phận về Bộ Tài chính. "Về vấn đề quản lý doanh nghiệp, chúng tôi đang tổng hợp ý kiến, Ủy ban quản lý vốn sẽ họp với các doanh nghiệp, bộ ngành về việc sắp xếp như thế nào", ông cho biết.

Ông Phớc nói quan điểm là đưa các doanh nghiệp trở về với các bộ ngành và hệ thống cán bộ cũng đi theo. Ông lưu ý trong quá trình này, mối quan hệ giữa quản lý vốn, ngành và mối quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ quản lý vốn là những vấn đề phải tính đến. Việc này để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất.

Ông nhấn mạnh việc này "cần làm thật nhanh, thậm chí trước ngày 25/2 phải hoàn thành". "Ủy ban cần tập trung thực hiện một cách khoa học, hiệu quả nhất, tránh tâm lý dao động, hoang mang, gián đoạn công việc", ông Phớc nói thêm.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2/2018. Uỷ ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Hiện có 19 doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, đơn cử như Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Điện lực; Tập đoàn Xăng dầu; Tập đoàn Hóa chất... Ngoài ra là các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng.

Báo cáo đầu hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng đáng kể so với 2018 - thời điểm các doanh nghiệp này từ các bộ ngành được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý.

Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu của các "ông lớn" tới nay là 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% sau 5 năm. Tổng tài sản các doanh nghiệp này nắm giữ đạt 2,54 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.

Tổng doanh thu hợp nhất của các doanh nghiệp này đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm năm qua, các doanh nghiệp này nộp ngân sách 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm của cả nước.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về Ủy ban nhưng đã có lãi trở lại sau khi tái cơ cấu, kiện toàn nhân sự. Chẳng hạn, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Hàng hải Việt Nam, Lương thực miền nam, Cà phê Việt Nam, Đường sắt...

Dù vậy, ông Cảnh cũng thừa nhận Uỷ ban còn một số hạn chế kể từ khi thành lập đến nay. Chẳng hạn, Uỷ ban chưa thể hiện được sự vượt trội so với trước về tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Hoạt động còn mang tính chất hành chính, chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra. Ngoài ra, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp với cơ quan này chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả.


Về nguyên nhân, đại diện Uỷ ban cho rằng khung khổ pháp luật cho tổ chức và hoạt động của cơ quan này dựa trên hệ thống thể chế, pháp luật có sẵn. Do đó, phương thức hoạt động vẫn là quản lý hành chính như các bộ trước đây, chưa điều chỉnh để có thể nâng năng lực, hiệu quả của mô hình mới.


Bên cạnh đó, nguồn lực ban đầu của Ủy ban hạn chế, không có cơ chế cho nhân sự chất lượng cao. Cơ chế tài chính để bổ sung, điều chuyển nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp cũng thiếu. Số lượng và chất lượng nhân sự giai đoạn đầu thành lập chưa tương xứng để đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả