Hòa Phát (HPG) đủ khả năng để làm thanh ray 100m trên tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD, Đích thực là một mũi tên đột phá phát triển hạ tầng Việt Nam
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, phân bổ trong 12 năm, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu, yêu cầu đưa ra ý kiến chính thức về hồ sơ bổ sung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 14/10/2024.
Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho việc đầu tư dự án này. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng đã lên các phương án và kịch bản để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và tích lũy kinh nghiệm khi tham gia.
Theo đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thành lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định: "Chúng tôi mong muốn người đứng đầu Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép VNR cùng với các đối tác nước ngoài thành lập liên doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt với tỷ lệ vốn góp chi phối."
Đây được đánh giá là kế hoạch “dài hơi” cho chiến lược tại khoảng 10 dự án đường sắt đô thị ở TP. HCM và TP. Hà Nội đang được lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.
Ông Mạnh nhấn mạnh: "Trong giai đoạn trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung cải tạo và xây dựng cơ sở chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, cũng như sản xuất phụ tùng thay thế với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40 - 60%."
Ở giai đoạn tiếp theo, liên doanh sẽ đẩy mạnh phát triển các đoàn tàu tự hành (EMU) phục vụ vận tải hành khách nội và ngoại ô, đồng thời phát triển ngành công nghiệp đóng mới toa xe cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. Liên doanh cũng sẽ sản xuất phụ tùng và vật tư đường sắt như ray, tà vẹt, phụ kiện ghi, hệ thống cung cấp điện sức kéo, thông tin, tín hiệu...
Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng cho biết, từng có thời điểm ngành cơ khí của Việt Nam bị coi nhẹ, khi có những lời chê bai rằng đến ốc vít còn không sản xuất được và ngành đường sắt cũng phải đối mặt với những chỉ trích tương tự.
"Người ta từng nhận xét rằng, khi Việt Nam chưa sản xuất được thanh ray thì làm sao có thể đóng góp vào hơn 30.000 - 40.000 chi tiết cơ khí phức tạp của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sắp tới."
Tuy nhiên, ông Mạnh khẳng định: "Những nhận định đó chưa hoàn toàn chính xác. Ngành thép và cơ khí chế tạo của Việt Nam, đặc biệt là Hòa Phát, hoàn toàn có khả năng sản xuất hàng trăm ngàn thanh ray thép đạt chất lượng cao mỗi năm."
Vấn đề chính là trong thời gian qua, nhu cầu ray thép của ngành đường sắt chỉ dừng lại ở mức vài ngàn chiếc mỗi năm, chủ yếu phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng. Trong khi đó, để đầu tư một nhà máy sản xuất ray thép, doanh nghiệp cần sản xuất hàng trăm ngàn chiếc mỗi năm mới có thể đạt điểm hòa vốn.
Ông Mạnh nhấn mạnh: "Đường sắt có tiềm năng trở thành mũi đột phá hạ tầng tiếp theo sau cao tốc đường bộ. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc phát triển công nghiệp đường sắt."
Tập đoàn Hòa Phát hoàn toàn có đủ năng lực sản xuất thanh ray thép đạt chất lượng cao
Trước đó, tại hội nghị với các doanh nghiệp lớn do Thường trực Chính phủ tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), ông Trần Đình Long đã khẳng định: "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD, là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu và đủ năng lực cung cấp thép cho đường ray tốc độ cao ngay tại Việt Nam."
Chủ tịch Hòa Phát giải thích thêm: "Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ 350km/h trên trục Bắc - Nam đồng nghĩa với việc thanh ray phải dài 100m. Việc vận chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn và một số quốc gia như Nhật Bản đã đặt nhà máy sản xuất ngay tại nơi thi công dự án. Nhưng chúng tôi sẽ tính toán kỹ lưỡng".
Ngoài việc sản xuất thép đường ray, ông Long khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia vào nhiều hạng mục khác của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không chỉ giới hạn ở thép làm đường ray.
Chia sẻ thông tin hữu ích