Fed nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất, thị trường hàng hoá thế giới giảm giá mạnh
Đóng cửa tuần 10 – 16/10, lực bán áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đã kéo chỉ số MXV-Index giảm tới 3,47%, xuống mức 2.470 điểm. Việc này diễn ra trong bối cảnh công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy gần 100% ý kiến ủng hộ mức tăng 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 của Fed.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), điểm nổi bật của thị trường trong tuần vừa qua phải kể đến mức lao dốc hơn 10% của giá bạc trên Sở COMEX xuống còn 18,07 USD/ounce. Tiếp theo là cà phê Arabica, giảm gần 10% xuống mức 196,70 cents/pound. Các mặt hàng năng lượng cũng đồng loạt sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, biến động của thị trường vẫn thu hút dòng tiền đầu tư trong nước. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 4.300 tỷ đồng mỗi phiên, ghi nhận mức tăng 5% so với tuần trước đó.
Giá bạc lao dốc hơn 10% trước các tín hiệu kinh tế tiêu cực
Kết thúc tuần giao dịch 10/10 – 16/10, các mặt hàng trong nhóm kim loại diễn biến phân hoá, tuy nhiên lực bán có phần chiếm ưu thế. Nhóm kim loại quý đồng loạt chịu sức ép bán lớn. Đáng chú ý, giá bạc ghi nhận toàn bộ 5/5 phiên giảm, lao dốc hơn 10% và xóa sạch những tích luỹ kể từ cuối tháng 9. Bạch kim đóng cửa trong sắc đỏ tại mức giá 849,9 USD/ounce sau khi giảm 2,51%.
Bức tranh kinh tế vĩ mô không mấy khả quan đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn việc nắm giữ đồng bạc xanh có vai trò trú ẩn và tính thanh khoản cao. Dữ liệu lạm phát trong tiêu dùng và sản xuất của Mỹ vào tháng 9 tiếp tục vượt kỳ vọng của thị trường bất chấp các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng chững lại khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã tăng 0,4% trong tháng 8. Ngoài ra, các quan chức Fed vẫn giữ động thái quyết liệt trong tiến trình thắt chặt tiền tệ. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group hiện đang cho thấy gần 100% ý kiến ủng hộ mức tăng 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11. Xu hướng nắm giữ tiền mặt tiếp tục khiến vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý thất thế. Trong đó, bạc gặp áp lực mạnh nhất do vai trò công nghiệp cũng gặp nhiều sức ép bên cạnh vai trò trú ẩn.
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX liên tục đảo chiều tăng giảm trong hầu hết các phiên giao dịch khi một bên là sức ép từ nền kinh tế vĩ mô, một bên là rủi ro nguồn cung từ Chile do gián đoạn vận chuyển đồng cũng như lo ngại dòng chảy kim loại từ Nga. Những kỳ vọng tích cực về các chính sách hỗ trợ kinh tế trong Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra vào tuần này cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá phục hồi. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hơn 2 tiếng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào buổi khai mạc Đại hội Đảng ngày 16/10, mặc dù nhấn mạnh về các chủ trương phục hồi kinh tế, nhưng việc khẳng định rằng chính sách “Không Covid” đã hoạt động phù hợp và hiệu quả với xã hội, khiến nhiều nhà phân tích cho rằng biện pháp này sẽ khó có thể dỡ bỏ trong ngắn hạn. Điều đó khiến cho thị trường kim loại cơ bản vẫn còn gặp nhiều thách thức trước những lo ngại gián đoạn trong hoạt động kinh tế.
NHÓM NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê Arabica sụt giảm mạnh gần 10%
Chốt tuần vừa qua, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, đà giảm mạnh của cả 2 mặt hàng cà phê đã đẩy giá Arabica chạm mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây và Robusta xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.
Nguồn cung cà phê tại Brazil đang dần cho thấy những tín hiệu tích cực khi mưa lớn được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra tại Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil, sẽ đưa đến triển vọng tích cực hơn về sản lượng cà phê trong năm tới. Bên cạnh đó, số liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 09 của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới cũng rất tích cực với mức tăng 18% của cà phê Arabica so với tháng trước. Kết hợp với việc đồng Real giảm mạnh hơn 2,42% trong tuần qua đã thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó khiến lực bán trở nên áp đảo trên thị trường, đặc biệt là trong 3 phiên cuối tuần, đẩy giá mặt hàng này về mức 196,70 cents/pound, tương đương mức giảm 21,40 cents so với tuần trước.
Dù cũng ghi nhận mức giảm mạnh hơn 4%, lực giảm của Robusta vẫn có phần yếu hơn Arabica do còn chịu tác động từ 2 quốc gia xuất khẩu lớn khác là Việt Nam và Indonesia. Cụ thể, tại Việt Nam, thời tiết trong tuần qua có mưa lớn, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch cà phê của người nông dân, trong khi tồn kho đã và mức cạn kiệt, cùng với việc tồn kho tại Indonesia cũng ngày càng thu hẹp do đã bước vào cuối vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, số liệu xuất khẩu Robusta trong tháng 09 của Brazil cũng ghi nhận mức giảm mạnh hơn 62% cũng là yếu tố giúp kìm hãm đà giảm của mặt hàng này.
Dù tăng kịch sàn trong phiên đầu tuần, đà tăng này không được duy trì mà thay vào đó là 3 phiên giảm cuối tuần, khiến giá bông đóng cửa tuần trong sắc đỏ với mức giảm 1,28% và là tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Trong phiên đầu tuần, giá bông bất ngờ bật tăng mạnh gần 5% khi lượng lớn bông tại Ấn Độ đứng trước nguy cơ mất trắng do mưa lớn xảy ra tại nước này. Nhưng sau đó, lực tăng đã được điều chỉnh lại và giảm trong 3 phiên cuối tuần khi xuất khẩu bông của Mỹ trong báo cáo cung – cầu tháng 10 giảm do nhu cầu tiêu thụ các nước nhập khẩu chính như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Việt Nam đều giảm sâu, đồng thời tồn kho cuối kỳ trên toàn cầu tăng mạnh 3,12 triệu kiện so với báo cáo tháng trước đã giúp lực bán lấy lại ưu thế.
Dầu cọ thô có tuần giao dịch khá giằng co khi giá chỉ biến động nhẹ với mức giảm 0.10%. Do nghỉ giao dịch trong phiên đầu tuần, mặt hàng này trong tuần có có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen nhau. Tồn kho dầu cọ trong tháng 09 tại Malaysia tăng lên mức cao nhất trong vòng 03 năm trở lại đây do gặp áp lực từ việc Indonesia miễn thuế xuất khẩu. Trong khi giá cũng nhận được hỗ trợ mạnh từ việc Nga bỏ ngỏ việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen do thỏa thuận này đã không đáp ứng được những gì mà Moscow kỳ vọng. Điều này đe dọa về sự gián đoạn trở lại của nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine và đẩy giá các mặt hàng dầu thực vật tăng, trong đó có dầu cọ.
Giá cà phê nội địa liên tục đi xuống trong tuần
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, cùng chiều với giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên vào Nam Bộ dao động trong khoảng 44.500 – 45.000 đồng/kg, giảm tương đối mạnh 1.800 – 1.900 đồng/kg so với đầu tuần trước, sau liên tiếp các phiên đi xuống.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng hiện thu mua cà phê với mức giá thấp nhất là 44.500 đồng/kg, giảm 1.900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk đang là địa phương ghi nhận mức giá cao nhất, đạt 45.000 đồng/kg sau khi giảm 1.800 đồng/kg. Ba tỉnh trọng điểm còn lại là Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum cũng điều chỉnh giá xuống chung mức 44.800 đồng/kg, cùng giảm 1.900 đồng/kg.
Chia sẻ thông tin hữu ích