Yêu cầu TKV đảm bảo than cho sản xuất điện
Đây là yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 12/1.
Nộp ngân sách cao kỷ lục nhưng nhiều khó khăn
Ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn TKV - cho biết, năm 2023, tập đoàn tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức mới, tuy nhiên ông Hải cho rằng TKV đã có một năm 2023 thành công. TKV nộp ngân sách Nhà nước cao kỷ lục với gần 29.000 tỷ đồng, tăng 41% so kế hoạch. Lợi nhuận toàn tập đoàn dự kiến đạt 6,05 nghìn tỷ đồng tăng 1,05 nghìn tỷ so với kế hoạch.
Sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện đạt cao nhất từ trước đến nay tăng 4,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, TKV đã đảm bảo cấp than cho sản xuất điện, đặc biệt là cấp than cho 2 dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc với giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán các loại than cùng chủng loại.
Tổng Giám đốc TKV cho biết, năm 2024 sẽ là năm còn nhiều khó khăn. Tập đoàn sẽ bám sát các bộ ngành và các địa phương, nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, khai thác vượt công suất thiết kế, về thăm dò phát triển tài nguyên, thuê đất… thực hiện đề án cơ cấu lại tập đoàn đến năm 2025.
TKV cam kết đảm bảo cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024.
Đề xuất nhiều cơ chế để vượt qua những khó, ông Nguyễn Mạnh Toán - Giám đốc Công ty Than Thống Nhất - cho biết, tình trạng công nhân bỏ việc cũng là một trong những vấn đề của doanh nghiệp hiện nay. Để giữ chân người lao động, công ty đang triển khai rất nhiều giải pháp như xây dựng thêm nơi ở cho người lao động, nâng cao thu nhập... Công ty cũng duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn của người lao động.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tới đây địa phương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề còn vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sản xuất than cho điện sẽ là áp lực trong năm nay. Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện về cảng, hạ tầng để ngành than có thể nhập than cũng như phối trộn cung cấp cho các hộ sử dụng.
Ông Ký cũng cho rằng, việc giải quyết các vấn đề tồn tại của ngành than như nhà ở công nhân, đảm bảo công tác môi trường, an toàn lao động cũng là những vấn đề cần tập đoàn tập trung giải quyết thời gian tới.
Đề nghị học cách khai thác của Trung Quốc
Chia sẻ tại hội nghị ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - đánh giá cao những nỗ lực của ngành than trong năm qua, đặc biệt ngành than đã có vai trò cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện, đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực. Trong đó, nổi bật là TKV đóng góp vai trò trong việc hợp tác nhập khẩu than từ Lào để cung ứng cho thị trường trong nước.
Theo ông Hoàng Anh, TKV cần tập trung giải quyết 7 nhiệm vụ lớn trong thời gian tới. TKV cần tập trung đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện, khắc phục các sự cố nguồn điện thuộc thẩm quyền, góp phần cùng EVN đảm bảo cung ứng điện cho đời sống người dân, doanh nghiệp. TKV cần phối hợp với Ủy ban báo cáo Chính phủ những khó khăn, vướng mắc về giấy phép khai thác, thăm dò để có chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Giải quyết càng sớm thì càng dễ tháo gỡ.
Dẫn câu chuyện chuyển đổi số mạnh mẽ của Trung Quốc thời gian qua, ông Hoàng Anh cho biết, đã đến thăm một tập đoàn xây dựng của phía bạn và thấy tốc độ số hoá cũng như thay đổi công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Doanh nghiệp không còn xây nhà như trước mà chuyển sang công nghệ lắp ghép giúp những toà nhà 80-90 tầng cũng chỉ mất hơn 1 năm để triển khai. Vận hành các cảng của Trung Quốc cũng tự động hoá tới 70%.
Về các cơ chế đầu tư sản xuất công nghiệp, ông Hoàng Anh cũng cho biết, đã cùng lãnh đạo TKV sang Quảng Tây - Trung Quốc học hỏi về quy trình sản xuất nhôm. Hiện phía bạn đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất điện ra alumin, ra nhôm thỏi rồi nhôm định hình. Hiện sản lượng của ngành công nghiệp nhôm Trung Quốc chiếm tới 20% thế giới.
"Năm 2010, thu ngân sách của Hải Phòng mới đạt 30.000 tỷ đồng thì chỉ tại thành phố của Quảng Tây này thu ngân sách từ công nghiệp nhôm đạt tới 40.000 tỷ đồng. TKV cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn và tỉnh Đắk Nông giúp Chính phủ quy hoạch Đắk Nông để trở thành thành phố, tỉnh công nghiệp sản xuất nhôm. Theo dữ liệu khảo sát, trữ lượng tại đây có thể khai thác được trong 200 năm. Vì vậy không có lý gì không phát triển công nghiệp được”, ông Hoàng Anh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận