menu
Xuất khẩu gỗ và lâm sản có thêm tháng ‘giảm tốc’, doanh nghiệp giảm đơn hàng Mỹ và EU
Vương Tuyên Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu gỗ và lâm sản có thêm tháng ‘giảm tốc’, doanh nghiệp giảm đơn hàng Mỹ và EU

Thông tin được cập nhật mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7/2022 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Khó khăn cho việc xuất khẩu ngành hàng nông nghiệp chủ lực có thể nhìn thấy rõ khi đây là tháng thứ hai liên tiếp ngành hàng xuất khẩu quan trọng này giảm đà xuất khẩu.

Họp gấp khi xuất khẩu sản phẩm gỗ giảm tốc

Trước đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,4 tỷ USD, giảm gần 11% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 936 triệu USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản có thêm tháng ‘giảm tốc’, doanh nghiệp giảm đơn hàng Mỹ và EU
Khảo sát nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang giảm đáng kể doanh thu. Ảnh: TTXVN

Bước sang tháng 7/2022, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục công bố con số xuất khẩu gỗ và lâm sản dự kiến đạt 16,3 tỷ USD trong năm nay giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng giảm 5,5% so với tháng 6/2022. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III năm 2022.

Tính chung, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 10,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 9,7 tỷ USD, tăng 1,2%, trong đó, dăm gỗ 1,4 tỷ USD, tăng gần 30%, viên nén gỗ gần 0,5 tỷ USD, tăng hơn 78%, ván các loại gần 1 tỷ USD, tăng 22%; sản phẩm gỗ gần 7 tỷ USD, giảm gần 7%. Lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng hơn 2%.

Về thị trường, 7 tháng đầu năm 2022, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường ước đạt hơn 9,3 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 5,8 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 19,4%). Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1 tỷ USD (tăng gần 24%). Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 726 triệu USD (tăng 0,8%). Còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là 623 triệu USD (tăng 13%).

Nỗi lo giảm đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU

Khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Trends tiến hành trong 2 tuần vừa qua cho thấy, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Tại thị trường EU, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.

Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó. Trong đó, việc xuất khẩu sang Mỹ giảm 4,9% nguyên nhân một phần do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đánh giá lạm phát tăng cao ở Mỹ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường lớn nhất của Việt Nam. Do Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, do đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm.

Ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối EU cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao. Do đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng, khi tình hình lạm phát thế giới tăng cao khiến sức mua hàng giảm, chi phí vận chuyển tăng cao.

Bên cạnh những thị trường giảm trị giá xuất khẩu, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trên 13% do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.

Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường châu Âu giảm mạnh, cụ thể: Đức giảm 2,2%, Pháp giảm 6,9%, Italy giảm 10,1%, Thuỵ Điển giảm 42,1%, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến vận chuyển gặp khó khăn. Nhập khẩu nguyên liệu từ một số quốc gia tăng cao như Nga, Phần Lan, Bỉ… do phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung do nguồn cung giảm tại các thị trường khác.

Nguồn cung nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hiện nay, do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến giá thu mua tăng cao, trên 30% nên các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3 - 4 tuổi), dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến các loại sản phẩm gỗ.

Để tháo gỡ những khó khăn cho chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản, tiếp tục phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý những yêu cầu của DOC trong vụ điều tra ván dán, tủ gỗ, bàn trang điểm.

Cùng với đó, ngành sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản vào các tỉnh khu vục miền núi phía bắc vào Quý III năm 2022 và Hội thảo Thúc đẩy thương hiệu gỗ Việt tại TP Hồ Chí Minh, Quý IV năm 2022 để mở rộng cơ hội tiếp cận khách hàng cho các doanh nghiệp.

Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
10.50 (0.00%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả