24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VPB: Cổ phiếu phù hợp với phương pháp đầu tư CANSLIM

Cổ phiếu VPB hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của khung phân tích CANSLIM để trở thành một cổ phiếu tăng trưởng có tiềm năng tăng giá mạnh trong tương lai.

Thị trường chứng khoán luôn tồn tại nhiều trường phái đầu tư khác nhau được cụ thể hóa bằng những chiến lược đầu tư được kiểm chứng qua thành tích thực tế. Trong đó, điển hình nhất có thể kể đến trường phái đầu tư giá trị với đại diện nổi tiếng nhất là Warren Buffett hay trường phái đầu tư tăng trưởng với đại diện là Philip A. Fisher, Peter Lynch…

Một trong những phương pháp đầu tư được khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) ưa thích dựa trên sự ưu việt được kiểm chứng kỹ lưỡng và tính linh hoạt được chứng minh qua thời gian cũng như sự phù hợp với thị trường tài chính Việt Nam là CANSLIM được phát kiến vào năm 1953 bởi một trong những NĐT vĩ đại nhất William O’Neil – thường được nhắc đến như “phù thủy phố Wall”.

Phương pháp này đưa ra 7 chỉ tiêu chính (viết tắt là CANSLIM) giúp lựa chọn các cổ phiếu vượt trội về (i) Cơ bản; (ii) Xu hướng giá; (iii) Được NĐT tổ chức quan tâm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ các tiêu chí của phương pháp đầu tư CANSLIM cũng như áp dụng vào thực tế như thế nào qua trường hợp cụ thể là cổ phiếu ngân hàng VPB.

Chúng ta sẽ cùng xem xét cụ thể 7 tiêu chí đầu tư này:

C - Current quarter earnings – Lợi nhuận sau thuế (LNST) quý hiện tại : tiêu chuẩn đầu tiên cho một cổ phiếu tốt là có mức tăng trưởng LNST ít nhất từ 20% đến 50% so với cùng kỳ. Theo thống kê của O’Neil, những cổ phiếu có giá tăng mạnh đều có mức tăng trưởng LNST trên 70% so với cùng kỳ.
A – Annual earnings CAGR - Tỷ suất tăng trưởng lợi nhuận kép hàng năm: sự tăng trưởng LNST của doanh nghiệp trong 5 năm được duy trì với tốc độ ổn định được xem là một doanh nghiệp tốt. Các cổ phiêu hàng đầu trong thời gian mà O’Neil nghiên cứu đều có mức lợi nhuận kép trong 5 năm khoảng 24%.
N – New - Sản phẩm mới – Quản lý mới – Mức giá mới: những cố phiếu có mức giá tăng trưởng mạnh hầu hết là các công ty có yếu tố mới mẻ và đột phá từ sản phẩm, dịch vụ, ban lãnh đạo hay có thể là giá lập đỉnh cao mới.
S – Supply and Demand - Cung và cầu : nền kinh tế sẽ tuân theo qui luật cung cầu và cổ phiếu không nằm ngoài qui luật này. Công ty có qui mô càng lớn thì giá cổ phiếu càng khó tăng do lượng cung sẽ khá lớn. Vì vậy, đối với các công ty có lực cầu cao hơn nguồn cung thì tiềm năng tăng giá của cổ phiếu sẽ càng lớn.
L – Leader or laggard - Cổ phiếu đầu ngành: ở tiêu chí này nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn một vài cổ phiếu dẫn đầu thị trường. Cần xác định lý do tăng giá của cổ phiếu, tránh những cổ phiếu ăn theo và chất lượng dưới trung bình của thị trường vì những cổ phiếu này sớm muộn cũng sẽ giảm giá. Nên lựa chọn những cổ phiếu tốt nhất có thay đổi giá trong 12 tháng gần nhất thuộc nhóm 20% tăng giá mạnh nhất. Đây cũng thường là cổ phiếu dẫn đầu ngành nhỏ của mình.
I - Insitutional sponsorship - Sự ủng hộ của định chế tài chính: những cổ phiếu tốt thường được nhiều sự quan tâm và nắm giữ bởi các tổ chức lớn, các thiết chế tài chính lớn và có uy tín. Tuy nhiên, mặt trái của tiêu chí này là giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giảm mạnh khi không có một lượng cầu đủ để đáp ứng lượng bán ra của các tổ chức này khi họ đã đạt được một phần hoặc toàn bộ kỳ vọng.
M – Market direction - Định hướng thị trường: thị trường chứng khoán là thị trường của tâm lý và niềm tin. Dù một cổ phiếu tốt nhưng niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng sẽ làm giá cố phiếu đi xuống nhưng ngược lại nếu niềm tin được cũng cố sẽ quyết định sự năm giữ lâu dài để thu lợi lớn hơn. Thông thường khoảng 75% cổ phiếu thường có xu hướng đi theo thị trường và đây là yếu tốt quan trọng quyết định sự thành bại của phương án đầu tư.

Trên thực tế, tìm kiếm một cổ phiếu đáp ứng được đầy đủ 7 tiêu chí này là không dễ và những cổ phiếu như vậy thường tạo ra những thành quả đầu tư vượt trội. Ngành ngân hàng được xem là ngành dẫn dắt chỉ số tại thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó sẽ nhận được nhiều sự chú ý từ NĐT.

Tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng sẽ đáp ứng đủ tất cả các tiêu chí của khung phân tích CANSLIM. Ở đây chúng ta sẽ tiến hành áp dụng khung phân tích này vào một cổ phiếu ngân hàng điển hình đáp ứng được tất cả các tiêu chí này, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB).

Tiêu chí đầu tiên C-Current quarter earnings, xét trong giai đoạn từ 2Q2017 đến hết 2Q2021, EPS của VPB tăng trưởng bình quân 25,8%/năm, đặc biệt trong 3 năm gần đây, EPS của VPB tăng trưởng trung bình trên 40%, như vậy có thể kết luận VPB đáp ứng tiêu chí C trong hệ thống phân tích CANSLIM (nguồn: BCTC VPBank).

Tương tự đối với chỉ tiêu thứ 2 A-Annual earning CAGR, trong giai đoạn 5 năm từ 2016-2020, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của VPB trung bình đạt 27,5% và luôn có tăng trưởng dương hàng năm. Như vậy, VPB không chỉ đáp ứng mà còn vượt xa so với yêu cầu về chỉ tiêu này trong hệ thống CANSLIM (nguồn: BCTC VPBank).

Ở đây, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ngoại trừ thu nhập bất thường từ hợp tác bảo hiểm.

Thứ ba, chỉ tiêu N-New (Sản phẩm mới – Quản lý mới – Mức giá mới), điều này được thể hiện rất rõ ràng trong suốt chiều dài phát triển thần kỳ của VPB, từ một ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng vào năm 1993 trở thành một trong những ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, với tầm nhìn chiến lược táo bạo đầy tham vọng là top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam vào 2022.

Vậy sự mới mẻ hay đột phá nằm ở đâu? Ngay từ đầu, với chiến lược cực kỳ khác biệt và đột phá, tập trung vào nhóm khách hàng bán lẻ và cho vay tiêu dùng, VPBank đã dần thâm nhập vào phân khúc mà các ngân hàng khác bỏ qua, để từ đó có được tăng trưởng thần kỳ về thị phần cũng như kết quả kinh doanh (KQKD).

Ngoài ra, sự mới mẻ còn đến từ cách VPBank thay đổi mảng bán lẻ, khi số hoá vận hành để nâng cao mạnh mẽ năng suất và hướng đến mô hình đa kênh nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Hiện nay, với việc quản lý tập khách hàng với hơn 19 triệu người và phục vụ tất cả nhu cầu tài chính của toàn bộ phân khúc khách hàng từ khách hàng phổ thông và cận phổ thông đến khách hàng doanh nghiệp lớn/ khách hàng ưu tiên, VPBank luôn đưa ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng phân khúc cũng như vận hành trơn tru hệ thống của mình.

Như vậy, xét về yếu tố này, VPBank không chỉ đáp ứng được mà còn làm vượt trội hơn hết các ngân hàng khác, tạo ra sự khác biệt và chỗ đứng cho chính mình. Không dừng lại ở đó, chúng tôi nhận thấy tại VPBank hiện tại đang ấp ủ và kỳ vọng rất nhiều yếu tố mới hứa hẹn sẽ đem lại thành công bùng nổ cho ngân hàng.

Đơn cử, tháng 4 năm nay VPBank đã ký kết thành công việc bán 49% vốn điều lệ FE Credit và ngân hàng cũng đang tìm kiếm đối tác để phát hành riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông chiến lược. Khi việc này hoàn thành, với sự tham gia và cam kết của cổ đông chiến lược, chúng tôi kỳ vọng hoạt động và kết quả của cả FE Credit và ngân hàng mẹ sẽ có nhiều thay đổi về chất, thúc đẩy Ngân hàng tiến tới tầm nhìn top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam.

Chỉ tiêu thứ 4 được xét đến là S- Supply and Demand, đề cập đến cung cầu của cổ phiếu, được hiểu đơn giản là cổ phiếu càng có lượng cổ phiếu tự do (free float) trên thị trường càng ít thì khi có những thông tin tốt hỗ trợ như kết quả kinh doanh khả quan, chia tách cổ phiếu hay phát hành thêm cổ phiếu mới làm sức cầu gia tăng đột biến qua đó sẽ làm tiềm năng tăng giá càng cao.

Theo thống kê, khối lượng giao dịch (KLGD) trung bình theo ngày của VPB thường chỉ khoảng 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành và do đó thường có lực cầu tăng mạnh khi xuất hiện các thông tin tích cực liên quan đến hoạt đông kinh doanh của ngân hàng.

Ngoài ra, VPBank cũng là một trong những ngân hàng kín “room ngoại”, thể hiện được cầu đối với cổ phiếu ngân hàng là rất cao làm số lượng cổ phiếu được phát hành thêm hoặc cổ phiếu quỹ dễ dàng được hấp thụ và cuối cùng phản ánh lên thị giá cổ phiếu. Tóm lại, VPBank cũng hoàn toàn thỏa mãn được chỉ tiêu S theo định nghĩa trong khung CANSLIM.

Chỉ tiêu thứ 5, L- Leader or Laggard - Cổ phiếu đầu ngành. Với việc ngành Ngân hàng có được KQKD tăng trưởng mạnh trong năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021, giá cổ phiếu của các ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và cổ phiếu VPB, với những bước giá tăng trưởng vững chắc, rõ ràng thuộc nhóm Leader khi thuộc top 2 những cổ phiếu có mức tăng giá tốt nhất ngành Ngân hàng trong 52 tuần vừa qua và có thể cũng thuộc top tăng giá tốt nhất cả thị trường.

Với việc KQKD trong năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021 hết sức ấn tượng với TOI và LNTT tăng lần lượt 22,5% và 37,2%, VPBank thuộc nhóm các ngân hàng có KQKD tốt nhất toàn ngành. Do vậy, có thể kết luận việc tăng giá của VPBank không chỉ đến từ việc tăng giá chung của ngành Ngân hàng mà còn đến từ chính nội tại của ngân hàng (nguồn: Fiinpro).

Chỉ tiêu thứ 6 trong hệ thống CANSLIM là I-Institutional Sponsorship (Sự ủng hộ của NĐT tổ chức). Hiện nay, quỹ Dragon Capital, quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, đang nắm giữ trên 5% cổ phần của VPB cho thấy được VPB luôn có sự hỗ trợ của các tổ chức lớn.

Đồng thời, việc VPB kín “room ngoại” như đã nêu ở trên cũng cho thấy được các tổ chức luôn chú ý đến việc sở hữu cổ phiếu này. Đây cũng là một trong những động lực chính giúp cổ phiếu VPB tăng giá mỗi khi có thông tin phát hành thêm cổ phiếu.

Chỉ tiêu cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, M-Market Direction (Xu hướng thị trường). Những diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán cho thấy giá trị giao dịch (GTGD) trung bình mỗi phiên đã tăng xấp xỉ 4 lần so với năm 2019 (GTGD trung bình mỗi phiên năm 2019 là 5 nghìn tỷ đồng/phiên, con số này năm 2021 là gần 20 nghìn tỷ/phiên). Điều này đến từ việc tham gia đông đảo của lực lượng nhà đầu tư F0 với việc liên tiếp lập kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới hàng tháng cùng điểm sáng từ sự tham gia của các quỹ ETF cũng cho thấy được sự kỳ vọng dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ NĐT trong và ngoài nước.

Như vậy, dựa vào thanh khoản tăng lên nhanh chóng nhờ dòng tiền được thu hút mạnh cùng chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh và được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng cũng như bản thân cổ phiếu VPB hiện tại đang nằm trong nhóm các rổ chỉ số VN30, VN Diamond, Finlead và Finselect, có thể kết luận cổ phiếu VPB thỏa mãn điều chỉ tiêu cuối cùng theo khung CANSLIM.

Với những phân tích và minh chứng cụ thể được nếu trên, cổ phiếu VPB hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của khung phân tích CANSLIM để trở thành một cổ phiếu tăng trưởng có tiềm năng tăng giá mạnh trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
19.05 -0.15 (-0.78%)
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả