Vốn ngoại sẽ quay lại...
Các quốc gia phát triển đã bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt qua nới lỏng, liệu dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường cần thêm động lực gì để có thể vượt 1.300 điểm?
Khối ngoại đã quay trở lại
Ngày 18-9-2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, báo hiệu bắt đầu một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Thông tin này đã làm cho chỉ số sức mạnh đô la Mỹ (DXY Index) tiếp tục giảm xuống gần 100,4 điểm, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cũng giảm xuống mức quanh 24.600 và chỉ còn tăng hơn 1,4% kể từ đầu năm 2024.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) cũng đã có sự chuyển biến tích cực, từ bán ròng chuyển qua mua ròng trong các phiên cuối tháng 9-2024. Cụ thể, tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 27-9-2024, tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK đạt hơn 65.628 tỉ đồng, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng nếu tính tốc độ bán ròng theo các tháng thì giá trị bán ròng trong tháng 9 chỉ còn hơn 1.600 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức đỉnh hơn 16.500 tỉ đồng trong tháng 6-2024, và nếu loại trừ phiên bán ròng thỏa thuận cổ phiếu VIB ngày 24-9-2024 trị giá khoảng 2.700 tỉ đồng thì khối ngoại đã mua ròng trở lại trong tháng 9-2024.
Hoạt động mua lại của nhà đầu tư nước ngoài chưa thể khẳng định cho việc dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã quay trở lại Việt Nam, vì có thể dòng vốn từ các quỹ ngoại đã bán trước đó nhưng chưa rút tiền về nước đang nằm chờ điều kiện thuận lợi để mua lại.
Hoạt động mua lại của nhà đầu tư nước ngoài chưa thể khẳng định cho việc dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã quay trở lại Việt Nam, vì có thể dòng vốn từ các quỹ ngoại đã bán trước đó nhưng chưa rút tiền về nước đang nằm chờ điều kiện thuận lợi để mua lại.
Nhiều điều kiện thuận lợi để dòng vốn nước ngoài quay trở lại
Không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành sớm hơn - kể từ giữa năm 2023 - để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau cú sốc năm 2022. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có bốn lần giảm lãi suất điều hành, đưa lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm xuống 3%/năm, khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay. Điều này đã khiến cho chênh lệch (gap) lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ bị âm, dòng vốn ngoại rút ra, tiền đồng mất giá nhanh kể từ tháng 6-2023 đến tháng 6-2024. Sau đó, NHNN phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp để kiểm soát thanh khoản như phát hành tín phiếu, phát hành giấy tờ có giá qua thị trường mở (OMO) và cuối cùng là bán ngoại tệ can thiệp trực tiếp.
Sau khi Fed phát tín hiệu cắt giảm lãi suất và thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 9-2024 thì mọi chuyện đã khác. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã giảm đáng kể, chỉ còn tăng khoảng 1,4% so với đầu năm, giảm mạnh so với mức tăng khoảng 5% trong tháng 7-2024. Dự báo Fed sẽ còn tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,25-0,5 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm 2024, sau đó tiếp tục giảm 0,75-1 điểm phần trăm trong năm 2025 và sẽ đưa lãi suất về mức dưới 3% trong năm 2026.
Việc Fed giảm lãi suất sẽ giúp chi phí đi vay đô la Mỹ giảm, do đó các tổ chức trong nước có thể gia tăng vay nợ ngoại tệ. Trong khi, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thặng dư thương mại và kiều hối dự báo tiếp tục mạnh, sẽ giúp NHNN bổ sung nguồn dự trữ ngoại tệ và ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt qua nới lỏng của các nước phát triển cũng sẽ giúp các dòng vốn đầu tư gián tiếp tái phân bổ trở lại các nền kinh tế đang phát triển sau một khoảng thời gian rút ròng.
Như vậy, xét tổng thể thì dòng tiền nước ngoài đang có xu hướng quay trở lại Việt Nam, trước mắt từ các nguồn vốn vay mượn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thặng dư thương mại, kiều hối... và sau đó sẽ đến các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khi mà chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các thị trường phát triển tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Dòng tiền mới và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp VN-Index vượt mốc 1.300 điểm
Trong tháng 9-2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến hoạt động ký quỹ của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (re-funding), hoạt động thanh toán bù trừ và công bố thông tin. Thông tư mới đã gỡ một số vướng mắc còn tồn đọng trong việc xem xét nâng hạng TTCK của tổ chức FTSE Russell và như vậy, trong kỳ xem xét tiếp theo vào tháng 3-2025 tổ chức này có thể có đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam và có thể chấp thuận nâng hạng vào tháng 9 cùng năm. Bên cạnh đó, Chính phủ chuẩn bị trình dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán lên Quốc hội, gỡ vướng một số vấn đề mà tổ chức MSCI còn quan ngại, phấn đấu được MSCI chấp thuận nâng hạng trong tháng 6-2026. Kết hợp với xu hướng đảo ngược chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển, kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam.
Về tình hình kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng rõ nét, hoạt động thương mại phát triển và tổng kim ngạch thương mại có thể đạt gần 800 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất và tiêu dùng tiếp tục tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết quí sau phục hồi cao hơn quí trước. Thị trường bất động sản cũng đã bắt đầu có thanh khoản cao hơn, tín dụng nửa sau năm 2024 cũng phục hồi thực chất hơn. Xét tổng thể thì tình hình vĩ mô của Việt Nam đang phục hồi rõ nét và bền vững hơn.
Kinh tế phục hồi bền vững hơn, dòng vốn mới dự kiến sẽ quay trở lại trong thời gian tới. Đây chính là điều kiện cho TTCK chinh phục mốc 1.300 điểm một cách chắc chắn hơn trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận