VNPT đề nghị công ty con Telvina nâng doanh thu kế hoạch 2024 lên 187 tỷ đồng
Cụ thể, kế hoạch doanh thu năm 2024 của Telvina được đề nghị điều chỉnh tăng từ 186 tỷ đồng lên thành 187.5 tỷ đồng, trong đó doanh thu trong thị trường VNPT sẽ là 97.5 tỷ đồng và ngoài thị trường VNPT là 90 tỷ đồng. Tổng lãi sau thuế 2.75 tỷ đồng.
Một số sản phẩm do Telvina cung cấp. Nguồn: Telvina
Khó khăn chồng chất
Ngày 15/03, CTCP Viễn thông Telvina Việt Nam (UPCoM: PMT), công ty con của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 ngay tại trụ sở Công ty ở Hà Nội.
Tại đại hội, PMT cho biết công tác bán hàng tiếp tục gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế khiến sức cầu yếu, dẫn đến tình trạng thừa cung hụt cầu, cạnh tranh gay gắt về giá để có đơn hàng làm đơn giá bán các sản phẩm dây cáp điện viễn thông hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại, trong khi giá vật liệu đầu vào không giảm cùng tốc độ. Một số hợp đồng phải giảm giá từ 25% đến 28% để thắng thầu.
Ngoài ra, thách thức còn đến từ rào cản yêu cầu kỹ thuật sản xuất chưa thể đáp ứng, dẫn đến đơn giá không thể cạnh tranh trong một số thị trường mới, chưa kể các chi phí như khấu hao, chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng không thay đổi, chi phí sửa chữa máy móc thiết bị ngày càng nhiều, phải bảo dưỡng thường xuyên hoặc thay thế.
Mảng thị trường cáp thông tin tín hiệu đường sắt cũng đang gặp không ít khó khăn do thay đổi hình thức tổ chức mua sắm, đa dạng nhà thầu thi công xây lắp nên việc tiếp cận của PMT còn hạn chế. Chưa kể sự phát triển và mở rộng của một số nhà sản xuất cáp làm tăng tính cạnh tranh vốn đã khốc liệt.
Ngoài ra, tiến độ triển khai đầu tư mạng lưới của các thị trường truyền thống như FPT, Mobifone chậm trễ và sụt giảm quá lớn, các đơn vị gần như không tổ chức đấu thầu, mua sắm dự án mới dẫn tới trữ lượng vật tư chuẩn bị trước đó cho các dự án không kịp giải phóng, tốc độ tiêu hao vật tư trễ.
Kết quả là PMT ghi nhận 177 tỷ đồng doanh thu với phần lớn hơn từ thị trường trong VNPT, thực hiện khoảng 87% mục tiêu đề ra cho năm 2023. Doanh thu từ thị trường SCTV đạt 13.5 tỷ đồng, thấp hơn ngưỡng 15 tỷ đồng bình quân mỗi năm. Lãi sau thuế 483 triệu đồng cũng ở mức thấp so với kế hoạch, đạt 19.3%.
Tiếp tục cầm cự thay vì mở rộng
Năm 2024, PMT nhận định sự đầu tư vào mạng lưới của các nhà mạng viễn thông trong nước và truyền hình mặc dù vẫn tiếp tục nhưng tốc độ cũng như quy mô sẽ ở mức hạn chế. Việc nhu cầu sụt giảm trong khi năng lực nguồn cung dồi dào khiến sự cạnh tranh càng thêm khốc liệt.
Cùng với đó, giá cả nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng theo đà lạm phát trong khi giá bán không tăng thu hẹp biên độ lợi nhuận. Doanh nghiệp sản xuất theo đó vẫn duy trì, chủ yếu bám theo cơ chế cầm cự thay vì mở rộng để vượt qua giai đoạn này.
Lãnh đạo Công ty cũng thẳng thắn về một số điểm yếu của doanh nghiệp trong thời gian qua như sự hạn chế về nguồn vốn kinh doanh làm giảm khả năng tham gia thực hiện các gói thầu có thời hạn thanh toán kéo dài; chất lượng và trình độ đội ngũ kỹ thuật chưa cao nên chưa tạo được lợi thế cạnh tranh.
PMT cho biết đang nỗ lực để tham gia vào các dự án của hai ông lớn viễn thông là Mobifone và Viettel. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp cho các dự án hạ tầng truyền dẫn của Mobifone với kỳ vọng đạt giá trị 8 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện ở mức thấp trong năm qua. Còn đối với Viettel, tuy được mời thầu nhiều dự án cáp quang các loại nhưng hiện vẫn chưa làm dự án nào do các khó khăn về rào cản kỹ thuật đề cập ở trên.
Dựa theo đó, Công ty con của VNPT đặt kế hoạch 186 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm nay, cùng 2.75 tỷ đồng lãi sau thuế. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) kỳ vọng ở mức 5.5%. Tỷ lệ chi trả cổ tức 5%/cổ phiếu.
Liên quan tới chỉ tiêu doanh thu, VNPT đã đề nghị nâng lên mức 187.5 tỷ đồng, đề xuất này đã được cổ đông thông qua.
Để đạt được mục tiêu này, PMT cần tiếp tục tham dự và trúng thầu với cùng phạm vi thực hiện ở một số hợp đồng cung ứng sản phẩm do các hợp đồng này sẽ kết thúc trong năm 2024 nhằm đảo bảo duy trì doanh thu trong thị trường, đồng thời sẽ tham dự các dự án mua sắm rộng rãi của VNPT Net theo định hướng chung của Tập đoàn,…PMT cũng kỳ vọng sẽ duy trì doanh thu đến từ nhóm khách hàng Tổng Công ty đường sắt trong năm nay.
Theo kế hoạch, công ty con của VNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm cáp đồng và cáp quang tòa nhà thông minh; đầu tư phát triển sản phẩm cáp điện dành cho ô tô, xe máy; đầu tư và phát triển sản phẩm cáp LAN CAT6 và CAT7 phục vụ mạng 5G; hoàn thiện sản phẩm cáp quang thổi ống; phát triển cáp quang băng dẹt.
Nếu lỗ không trả thù lao cho HĐQT
PMT cho biết Công ty đã thực hiện trả thù lao năm 2022 cho HĐQT với tổng số tiền 54 triệu đồng, tương đương 18 triệu đồng/người. Công ty chưa thanh toán phần thù lao năm 2023 nhưng đã chi cho từng thành viên 5 triệu đồng/người.
Trường hợp hoàn thành bằng kế hoạch đề ra đối với lãi sau thuế trong năm nay, tổng thù lao dành cho HĐQT và Ban Kiểm soát sẽ là 120 triệu đồng. Trường hợp thực hiện lớn hơn kế hoạch, cứ vượt 1% lãi sau thuế thì thù lao tăng tối đa 2%. Ngược lại, cứ 1% lãi sau thuế giảm so với kế hoạch thì thù lao giảm 1% so với mức hoàn thành kế hoạch. Nếu lỗ, Công ty không chi thù lao.
Đến cuối năm 2023, ngoài VNPT, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PMT ông Tô Chí Thành nắm giữ 3.04% vốn tại PMT, còn vợ ông Thành là bà Nguyễn Thúy Hà đang sở hữu 17%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận