menu
VNA duyệt ngân sách hơn 300 tỷ mua thêm tàu, cho phép VSC mua gần 38% vốn không cần chào mua công khai
Hoàng Thế Kha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VNA duyệt ngân sách hơn 300 tỷ mua thêm tàu, cho phép VSC mua gần 38% vốn không cần chào mua công khai

Ngày 24/09, CTCP Vận tải Biển Vinaship (Vinaship, UPCoM: VNA) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và thông qua nhiều nội dung quan trọng, nổi bật là kế hoạch chi hơn 300 tỷ đồng mua tàu đã qua sử dụng và chấp thuận cho CTCP Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC) mua 37.55% vốn mà không cần chào mua công khai.

Duyệt ngân sách hơn 300 tỷ mua tàu đã qua sử dụng

VNA dự định mua tàu chở hàng khô có trọng tải 28,000 - 32,000 DWT, loại đã qua sử dụng được đóng từ năm 2009 - 2013, tương đương độ đuổi dưới 15, nơi đóng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. VNA dự kiến từ thời điểm được phê duyệt cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12 triệu USD, tương đương gần 306 tỷ đồng, trong đó giá mua tàu gần 304 tỷ đồng và lệ phí trước bạ, chi phí tiếp nhận tàu gần 2 tỷ đồng.

VNA lên kế hoạch sử dụng 50% từ vốn tự có và 50% vốn vay từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - CN Hồng Bàng, lãi suất 9%/năm, thời hạn vay 7 năm với gốc, lãi được thanh toán mỗi 3 tháng.

Sau khi tàu không còn khả năng kinh doanh sau hơn 15 năm khai thác liên tục (tuổi trên 20), VNA ước tính mức giá giải bán gần 90 tỷ đồng.

Hiện tại, đội tàu của VNA gồm 5 chiếc với tổng tải trọng là 95,861 DWT, độ tuổi bình quân hơn 20 tuổi, trong đó 3 tàu có trọng tải từ 22,000 - 27,000 DWT (28 tuổi), 1 tàu trọng tải 13,245 DWT (16 tuổi) và 1 tàu 6,500 DWT (21 tuổi).

VNA đề ra 3 phương án sử dụng tàu mới, bao gồm (1) khai thác tàu chuyến cho tuyến biển quốc tế Việt Nam - Indonesia - Việt Nam, chở các mặt hàng gạo, than; hoặc (2) khai thác tàu chuyến cho tuyến biển quốc tế Việt Nam - Indonesia - China - Philippines - Việt Nam, chở các mặt hàng gạo, quặng nikel, phân bón, xi măng bịch; hoặc (3) cho thuê định hạng.

Theo tính toán của VNA, phương án 3 có thể mang về hiệu quả cao nhất với tỷ suất nội hoàn (IRR) với 17.31%, tỷ số lợi ích – chi phí (BCR) 1.53 và hoàn vốn trong 8 năm 5 tháng.

Hiệu quả đầu tư theo từng phương án

VNA duyệt ngân sách hơn 300 tỷ mua thêm tàu, cho phép VSC mua gần 38% vốn không cần chào mua công khai

Nguồn: VNA

Chia sẻ về lý do đầu tư thêm tàu, VNA cho biết, đội tàu hiện tại có độ tuổi trung bình cao, chi phí vận hành cao nhưng quy mô đội tàu lại nhỏ, năng lực bổ trợ yếu nên giá thành vận tải của Công ty trong nhiều trường hợp kém tính cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường, chủng loại tàu đang dần lạc hậu với sự phát triển của đội tàu khu vực và thế giới, việc đưa tàu khai thác các tuyến xa ngoài khu vực Đông Nam Á gặp khó khăn về duy trì tình trạng kỹ thuật, cung ứng sửa chữa.

VSC sắp mua 37.55% vốn VNA không cần chào mua công khai

Cổ đông VNA đã thông qua việc chấp thuận cho VSC được phép nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết từ các cổ đông hiện hữu của VNA, để đạt sở hữu trên 25% số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai.

Danh sách cổ đông dự kiến chuyển nhượng cổ phiếu VNA cho VSC bao gồm 1 tổ chức là Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) bán 5 triệu cp, bên cạnh 14 cá nhân bán tổng cộng gần 7.8 triệu cp, lớn nhất là bà Nguyễn Thị Chung hơn 1 triệu cp, ông Trần Tuấn Linh, ông Nguyễn Văn Bằng, ông Nguyễn Duy Hoàng mỗi người gần 1 triệu cp.

Tổng cộng, có gần 12.8 triệu cp dự kiến được chuyển nhượng cho VSC, tương đương 37.55% vốn VNA.

Đáng nói, trong danh sách kể trên, VietinBank Capital chỉ mới sở hữu 5 triệu cp VNA sau khi hoàn tất mua thỏa thuận trong ngày 19/09, giá trị 85 tỷ đồng, trung bình 17,000 đồng/cp, thấp hơn đáng kể giá đóng cửa 21,000 đồng/cp của VNA.

VNA duyệt ngân sách hơn 300 tỷ mua thêm tàu, cho phép VSC mua gần 38% vốn không cần chào mua công khai

Nguồn: VNA

Chính VietinBank Capital vừa qua cũng đã mua vào lượng lớn cổ phiếu VSC, lần lượt mua 9.2 triệu cp trong ngày 11/06 và mua thêm 21 triệu cp trong ngày 03/07, nâng sở hữu lên 16.12% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất tại VSC.

Trong cơ cấu cổ đông của VNA tính đến thời điểm 30/06/2024, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines, UPCoM: MVN) đang là công ty mẹ sở hữu trực tiếp 51% vốn. Như vậy, nếu việc chào mua theo đúng kế hoạch, VSC sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai tại VNA.

Về bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, VNA lãi ròng gần 28 tỷ đồng, gấp gần 21 lần cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết, dù kết quả kinh doanh vận tải biển thấp hơn nhưng nhờ phát sinh doanh thu từ việc bán tàu Vinaship Star và các hoạt động khác như dịch vụ thuê tàu ngoài cũng tăng vượt trội, qua đó giúp lợi nhuận bứt phá.

VNA duyệt ngân sách hơn 300 tỷ mua thêm tàu, cho phép VSC mua gần 38% vốn không cần chào mua công khai
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
22.50 (0.00%)
93.47 +0.08 (+0.09%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả