VN-Index giảm 0,28 điểm, chiến lược đầu tư tuần tới thế nào?
VN-Index giảm 0,28 điểm, chiến lược đầu tư tuần tới thế nào?
Từ giữa phiên sáng, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ thuộc nhóm Cảng biển, Hóa chất, Bán lẻ, Bất động sản ghi nhận mức tăng mạnh, trong khi hầu hết các nhóm còn lại giảm nhẹ dưới tham chiếu khiến VN-Index tăng gần 6 điểm và giữ mức tăng cho tới hết phiên sáng.
Vào phiên chiều, áp lực bán gia tăng mạnh mẽ khiến chỉ số quay trở lại vùng tham chiếu và biến động quanh vùng điểm số này cho tới hết phiên để đóng cửa với mức giảm 0,28 điểm. Thanh khoản trên HoSE đạt 21.467,07 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 1.008,76 tỷ trên HoSE, 34,68 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 3,66 tỷ trên Upcom.
Về kỹ thuật, VN-Index giảm nhẹ và tiếp tục dao động trong vùng đi ngang nhưng đã thu hẹp dao động chỉ còn gần 10 điểm cho thấy vùng cân bằng cung cầu đã được thiết lập. Xu hướng đi ngang trong ngắn hạn vì thế sẽ có khả năng tiếp diễn trong một vài phiên tới, với biên độ nhỏ dần, trước khi có biến động lớn thay đổi xu hướng này. Nhà đầu tư được có thể giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, không tham gia bắt đáy.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước, tuần này VN-Index duy trì diễn biến sideway, neo giữ tại khu vực 1.270 -1.290 điểm. Nỗ lực phục hồi luôn hiện diện ở từng phiên, nhưng thiếu sự nâng đỡ từ nhóm cổ phiếu trụ nên thị trường vẫn chưa có đủ động lực để bứt phá. Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn hiện hữu giúp thị trường phần nào cân bằng lại. Thêm vào đó, sự phân hóa mạnh mẽ của dòng tiền khi liên tục tìm đến những nhóm ngành hoặc cổ phiếu có câu chuyện riêng, nên nhìn chung VN-Index vẫn vận động ổn định. Khối ngoại là điểm trừ lớn trong tuần khi liên tục bán ròng mạnh, tập trung khá nhiều ở các cổ phiếu bluechips.
Trong phiên cuối tuần (21/6), thị trường ghi nhận sự giằng co, trồi sụt quanh mốc tham chiếu đầu phiên. Nhóm blue-chips tuy không quá nổi trội nhưng sắc xanh vẫn lan tỏa tương đối tốt với BID tăng 1,65%, FPT tăng 1.58%, GVR tăng 2,06%. Mặc dù động lực tăng vẫn chưa có tín hiệu cải thiện so với các phiên trước nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục có sự luân chuyển, vận động tương đối tốt. Phiên chiều áp lực bán gia tăng khiến VN-Index có tín hiệu hụt hơi, lực cầu cuối phiên giúp chỉ số chung thu hẹp biên độ, giảm về sát tham chiếu. Cổ phiếu LPB bất ngờ thu hút dòng tiền tăng gần kịch trần trong phiên giúp nâng đỡ điểm số chung. Khối ngoại kết tuần với giao dịch bán ròng mạnh, tổng giá trị ròng đạt 1.008,97 tỷ, tập trung bán VND, VRE, POW. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.282,02 điểm, giảm 0,28 điểm, tương đương 0,02%. Kết tuần, VN-Index tăng 2,11 điểm (+0,16%) so với tuần trước.
Phân tích kĩ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến Spinning top giảm điểm nhẹ cho thấy tâm lý thận trọng của thị trường tại khu vực 1.270- 1.290 điểm. Ở khung đồ thị ngày, VN-Index cho dấu hiệu vận động ổn định khi tiếp tục bám sát đường MA20 với thanh khoản thấp, đồng thời dải Bollinger band có tín hiệu bó hẹp giúp củng cố cho diễn biến dao động tích lũy đi ngang của chỉ số chung. Các chỉ báo RSI, MACD chưa có vận động rõ ràng về xu hướng chung cho thấy thị trường vẫn cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng. Thêm vào đó, VN-Index đang tiến dần đến vùng mây xanh ichimoku cho thấy xác suất cao thị trường sẽ sớm bước vào nhịp tăng điểm trở lại. Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo dòng tiền CMF đã hướng lên trở lại cùng với việc chỉ báo RSI và MACD đang tạo các đỉnh với cùng xu hướng đi lên cho thấy rủi ro thị trường trong ngắn hạn đã được giảm bớt.
Về chiến lược giao dịch, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nếu còn nắm giữ những cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu trong danh mục thì nên tranh thủ cơ hội trong phiên để giảm tỉ trọng và ưu tiên chuyển sang chiến lược đầu tư ngắn hạn vào các mã có tín hiệu thu hút dòng tiền ổn định và đang trong xu hướng tăng điểm tốt ở thời điểm này, với một số nhóm ngành tiêu biểu là công nghệ, kho bãi cảng biển, dầu khí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận