Viettel Post (VTP): Thách thức kế hoạch lợi nhuận tăng gấp rưỡi
Trong bối cảnh thị trường giao vận cạnh tranh khốc liệt, kết quả kinh doanh quý I/2023 kém tích cực, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã VTP) vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm tăng trưởng mạnh.
Lợi nhuận quý I tiếp tục suy giảm
Viettel Post vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023, với doanh thu 4.772 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 75,7 tỷ đồng, giảm 26,7%. Đây cũng là quý Công ty ghi nhận doanh thu thấp nhất kể từ quý II/2020 đến nay.
Theo giải trình của Viettel Post, lợi nhuận quý I giảm là do tăng chi phí vận hành và chi phí nhân công để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trước đó, Viettel Post công bố báo cáo tài chính năm 2022 với doanh thu 21.742 tỷ đồng, lợi nhuận 256 tỷ đồng, đều suy giảm khoảng 13,3% so với mức thực hiện trong năm 2021. Với kết quả này, Công ty chỉ thực hiện được 84,5% kế hoạch doanh thu và 51,49% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Nguyên nhân kết quả kinh doanh đi xuống và không hoàn thành kế hoạch chủ yếu đến từ việc chi phí đầu vào tăng và biên lợi nhuận mỏng đi dưới áp lực cạnh tranh trong ngành vận chuyển.
Công ty cho biết, hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, vì vậy, khi nước này theo đuổi chính sách Zero Covid, một số cửa khẩu bị đóng lại, khiến nguồn hàng bị thiếu hụt, trong khi thời gian vận chuyển lại tăng lên.
Ngoài ra, các tập đoàn thương mại điện tử, chuyển phát từ Trung Quốc (Alibaba, Tencent, J&T, ZTO, SF, Ninjavan...) đầu tư tại Việt Nam đẩy mạnh cạnh tranh về giá để xâm nhập thị trường. Các công ty tại Việt Nam như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, J&T, Best… cũng chạy đua khuyến mãi (có nhiều chương trình chuyển phát giá 0 đồng), làm cho biên lợi nhuận lĩnh vực chuyển phát chỉ còn xấp xỉ 3%, các công ty chuyển phát hầu hết đều thua lỗ.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu có sự biến động lớn, với hơn 30 lần điều chỉnh trong năm đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải, giao nhận. Riêng tại Viettel Post, chi phí xăng dầu/doanh thu tăng 56,7%, làm giảm lợi nhuận 33,2 tỷ đồng; chi phí thuê xe nguyên chuyến/doanh thu tăng 23,3%, giảm lợi nhuận 28,3 tỷ đồng. Giá xăng tăng cũng đẩy giá các chi phí đầu vào khác của Công ty tăng mạnh.
Thách thức kế hoạch lợi nhuận 2023
Năm 2023, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng suy giảm, sức ép cạnh tranh trong ngành giao nhận, vận chuyển càng “nóng” hơn. Đó có thể là một trong những cơ sở Viettel Post đặt kế hoạch doanh thu giảm 15% so với năm ngoái, với 18.464 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khi dự kiến doanh thu giảm đáng kể thì mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Viettel Post lại cao hơn 49% so với năm 2022, với 376 tỷ đồng.
Về tính khả thi của kế hoạch này, ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, thị trường còn nhiều tiềm năng, cơ hội để cho Công ty tiếp tục phát triển. Vì vậy, thời điểm hiện tại, Công ty khá tự tin với kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2023.
Cụ thể hơn, theo ông Sơn, năm 2023, xu hướng mua bán thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao khoảng 20%/ năm. Do đó, quy mô thị trường này sẽ tăng. Thời gian qua, Công ty đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng để nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu các hoạt động quản lý, điều hành… Nhờ vậy, thời gian toàn trình chỉ còn 43 giờ, tương đương các đối thủ tốt nhất trong ngành chuyển phát.
Năm nay, Công ty tập trung kinh doanh các phân khúc khách hàng lớn và dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao trong bối cảnh cạnh tranh về giá; nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Viettel Post chính thức phục vụ TikTok Shop từ ngày 1/2/2023, sản lượng hiện tại 10.000 đơn/ngày và dự kiến nâng lên 50.000 đơn/ngày trong thời gian tới.
Gia nhập thị trường Việt Nam chưa đầy 1 năm nhưng Tiktok Shop đã có sản lượng đơn hàng trung bình ngày là 631.825 đơn, doanh số bán hàng trung bình đạt 91,8 tỷ đồng/ngày, đứng thứ 2 về thị phần thương mại điện tử toàn ngành. Lãnh đạo Viettel Post kỳ vọng, việc phục vụ tốt TikTok Shop là cơ hội để Công ty đẩy mạnh hợp tác phục vụ các khách hàng lớn là các sàn thương mại điện tử có phạm vi toàn cầu.
Tuy vậy, với khởi đầu kém tích cực, nhà đầu tư cũng đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Viettel Post cũng thừa nhận đang đối mặt với một số khó khăn. Tại Việt Nam, cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính rất khốc liệt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới. Nhóm doanh nghiệp này không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh giành thị phần.
Theo lãnh đạo Viettel Post, ngành Bưu chính chưa thực thi nghiêm các quy định của Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bưu chính, xử phạt nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, bán dưới giá thành, khuyến mại vượt quá thời gian theo quy định.
Mức độ cạnh tranh gia tăng khi các sàn thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ cũng tham gia cung ứng dịch vụ chuyển phát để tối ưu cũng như tăng trải nghiệm cho khách hàng. Các doanh nghiệp chuyển phát trong nước nguy cơ bị cạnh tranh giá không bình đẳng, mất vai trò dẫn dắt thị trường khi chưa có cơ chế phòng vệ thương mại đối với nhóm ngành này.
Viettel Post, tiền thân là Trung tâm Phát hành báo chí, được thành lập năm 1997 nhằm phục vụ các cơ quan trong Bộ Quốc phòng. Năm 2006, Bưu chính Viettel chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập, với tên gọi Công ty TNHH Nhà nước MTV Bưu chính Viettel. Đến năm 2009, Viettel Post cổ phần hóa và hiện cổ phiếu VTP đang giao dịch trên UPCoM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận