Vietnam Airlines đang vay nợ những ai?
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021 quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của công ty này do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo thông tư cũ, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.
Thông tư mới được sửa đổi thành khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm.
Trước đó, năm 2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đồng ý cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines và gia hạn không quá 2 lần.
Theo quy định, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay, Vietnam Airlines có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ dư nợ gốc 4.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines được lùi hạn trả 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn (Ảnh: Vietnam Airlines).
Tuy nhiên, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội về việc Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines. Thời gian gia hạn dự kiến mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (đã gồm 2 lần được gia hạn theo Nghị quyết 135/2020).
Đến hết tháng 5, tổng nợ vay của Vietnam Airlines là khoảng 16.055 tỷ đồng, ước đến ngày 30/6 là 15.604 tỷ đồng. Gia hạn khoản vay tái cấp vốn chỉ là một trong các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hãng.
Nếu không được gia hạn, hãng có thể mất khả năng thanh toán từ tháng 7 năm nay, có nguy cơ không thực hiện được cam kết của hãng với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ. Từ đó, hãng có thể bị kiện, giảm uy tín trước các đối tác.
Đồng thời, công ty cũng sẽ phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản. Điều này có thể tạo ra hệ lụy như các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho hãng. Đến ngày 31/3, dư nợ vay bảo lãnh của Chính phủ là 331 triệu USD.
Vietnam Airlines đang vay nợ ai?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tính đến 31/3, Vietnam Airlines vay ngắn hạn 10.081 tỷ đồng, vay dài hạn 5.060 tỷ đồng và nợ thuê tài chính 9.259 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với cuối năm 2023.
Tại báo cáo tài chính này, Vietnam Airlines không nêu chi tiết các chủ nợ là ai. Tuy nhiên ở báo cáo tài chính đã kiểm toán 2023 thể hiện Vietnam Airlines có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Các khoản vay ngắn hạn và dài hạn được cấp bởi hầu hết các tổ chức tín dụng trong nước.
Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2023, Vietnam Airlines vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng tại nhiều nhà băng gồm SeABank (2.379 tỷ đồng), Vietcombank (2.108 tỷ đồng), MSB (1.915 tỷ đồng), VietBank (1.196 tỷ đồng) và các ngân hàng khác như ABBank, BIDV, MB, SHB.
Về dài hạn, cuối năm 2023, Vietnam Airlines có khoản vay dài hạn 5.159 tỷ đồng và nợ thuê tài chính dài hạn 10.153 tỷ đồng. Trong đó có khoản nợ vay dài hạn được cấp tín dụng bởi Vietcombank (khoản vay hợp vốn của 3 ngân hàng trong nước do Vietcombank làm đầu mối cấp tín dụng) là 2.677 tỷ đồng, BIDV là 782,6 tỷ đồng, Eximbank là 582,6 tỷ đồng…
Còn nợ thuê tài chính dài hạn phần lớn được cấp từ Tập đoàn ING (5.349 tỷ đồng), Ngân hàng Citibank (2.269 tỷ đồng) và Ngân hàng MUFG (1.060 tỷ đồng), ngoài ra còn có ngân hàng HSBC, ngân hàng JP Morgan Chase...
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Con số này cho thấy Vietnam Airlines vẫn có lãi trong quý II nhưng thấp hơn nhiều so với quý I đầu năm.
Ông Hòa cho biết sau hơn 3 năm chống chọi với dịch Covid-19, Vietnam Airlines từng đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, ông Hòa đã "mừng" hơn vì kết quả kinh doanh hiệu quả.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết dù có một số yếu tố thuận lợi nhưng 6 tháng đầu năm nay vẫn là giai đoạn có nhiều thách thức. Trong đó, giá nhiên liệu tăng làm tăng chi phí vận hành, tỷ giá tăng 4,8% từ đầu năm cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, toàn ngành hàng không Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu bay do các lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất. 6 tháng cuối năm, ông Hòa dự báo còn nhiều biến động khó lường.
Báo lãi đột biến trong quý I nhờ đâu?
Trong quý I năm nay, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu của hãng tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn, đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao.
Trong đó, công ty ghi nhận lãi gộp gần 4.100 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ và là quý có lãi gộp cao nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, biên lãi gộp cao gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 14,6%.
Báo cáo tài chính công ty mẹ cũng cho thấy doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt hơn 22.000 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 62,5% còn 137 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng gần gấp đôi lên mức 1.470 tỷ đồng do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng. Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi trước thuế gần 1.500 tỷ đồng trong quý I.
Việc Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp công ty ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.441 tỷ đồng, mức lãi lớn nhất lịch sử và chính thức chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp của công ty. Quý I năm ngoái, Vietnam Airlines chỉ lãi trước thuế 19 tỷ đồng và lỗ sau thuế 37 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Vietnam Airlines ở mức hơn 56.300 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nhờ vậy, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của công ty đạt 7,8%. Dù thế, đến hết ngày 31/3, Vietnam Airlines vẫn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 12.556 tỷ đồng. Chính vì vậy, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn âm 35,36%.
Lý giải kết quả kinh doanh đột biến, hãng hàng không quốc gia cho biết, quý I là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không. Nhờ thị trường vận tải phục hồi mạnh, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác và mở thêm các đường bay mới.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng trên 4.230 tỷ đồng và lợi nhuận riêng công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Vietnam Airlines đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận gần 9%.
Cổ phiếu biến động ra sao?
Giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines liên tục giảm mạnh 2 tuần gần nhất khiến vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines "bốc hơi" hàng tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn.
Cổ phiếu của hãng đã ghi nhận giảm sàn liên tục 3 phiên 19/7, 22/7 và 23/7. Trong phiên 24/7, cổ phiếu HVN tiếp tục giảm 4%, sau đó, kết phiên 25/7, cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn xuống 20.200 đồng/cổ phiếu, với 7,3 triệu cổ phiếu được sang tay.
Sau chuỗi "lao dốc", cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã tăng điểm trở lại. Kết phiên ngày 26/7, mã này tăng 3,47% lên 20.900 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường, đạt hơn 9,68 triệu đơn vị.
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines liên tục rơi mạnh (Ảnh: Trading View).
Đà giảm liên tục gần đây của HVN diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đã tăng rất mạnh từ đầu năm. Trong đó, đà tăng bắt đầu đến rõ rệt khi quý I kết thúc. Trước đó, mã chứng khoán đại diện cho hãng hàng không quốc gia đã duy trì xu hướng đi ngang quanh ngưỡng 13.000 đồng/cổ phiếu suốt thời gian dài.
Diễn biến này trái ngược với trước đó, các cổ đông Vietnam Airlines đã trải qua nửa năm giao dịch tích cực khi giá cổ phiếu tăng gấp 3 lần từ đầu năm từ khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh phiên 5/7 là hơn 36.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài kết quả kinh doanh quý II thấp hơn quý I, giới đầu tư cho rằng đà giảm lần này của cổ phiếu HVN một phần đến từ áp lực chốt lời của các nhà đầu tư đã có lợi nhuận trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận