Vietnam Airlines báo lãi nghìn tỷ cũng không giúp cổ phiếu HVN tích cực trở lại
VN-Index phiên đầu tháng 8 giảm điểm, bảng điện chìm trong “sắc đỏ”. Cùng chung xu hướng, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm điểm về mức 20.650 đồng/cp, mặc dù doanh nghiệp vừa báo lãi nghìn tỷ.
Theo quan sát, từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu HVN rơi vào xu hướng điều chỉnh khá mạnh sau khoảng thời gian tăng “nóng” trước đó. Với thị giá hiện tại, cổ phiếu này đang giao dịch tại vùng thấp nhất kể từ giữa tháng 5 và đã giảm hơn 40% kể từ mốc cao nhất của năm 2024.
Cổ phiếu HVN tiếp tục giảm điểm trong phiên 1/8.
Mới đây, Vietnam Airlines đã có báo cáo kết quả kinh doanh với những con số đáng chú ý. Trong quý II/2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 24.800 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn, hãng bay này lãi gộp 2.713 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong quý II/2024, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 900 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp lãi hợp nhất sau thuế khoảng 1.034 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.300 tỷ.
Lũy kế nửa đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 53.100 tỷ, tăng xấp xỉ 20% so với năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty ở mức trên 5.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 35.812 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm 11.533 tỷ đồng. Nợ vay tài chính của doanh nghiệp ở mức hơn 23.300 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 57.791 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6, không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Trong đó chiếm hơn một nửa là khoản tài sản cố định, ở mức hơn 32.000 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn là hơn 7.646 tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng trở lại nhưng thực tế, hãng bay quốc gia vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là biến động tỷ giá ảnh hưởng bất lợi đến dòng tiền. Đặc biệt, việc tạm dừng khai thác 12 tàu bay Airbus A321 để đưa vào kiểm tra động cơ cùng với việc Pacific Airlines trả các tàu bay thuê để xóa nợ và thực hiện tái cấu trúc đội bay, mạng đường bay đã tạo nên sự thiếu hụt nguồn cung tàu bay, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty.
Hiện tại, bức tranh tài chính của Vietnam Airlines đang có nhiều vấn đề như lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu âm. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Tại cuộc họp ĐHCĐ diễn ra hồi cuối tháng 6/2024, đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn, công ty kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.
Không chỉ vậy, Vietnam Airlines hay các doanh nghiệp vận tải hàng không khác vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025.
"Việc thiếu hụt máy bay toàn cầu làm tăng giá thuê máy bay, tăng chi phí bảo dưỡng, vật tư phụ tùng máy bay, đồng thời kéo dài thời gian máy bay nằm đất gây thiệt hại doanh thu", đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận