24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Mai Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam nên cùng Mỹ định hình luật chơi trong IPEF

“Tôi nhớ trước khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, nhà máy của Canon ở khu công nghiệp Thăng Long đã hoành tráng lắm rồi, nhưng giờ có nhiều nhà máy hoành tráng hơn nhiều. Khi đó, ta chưa hình dung được xuất khẩu thuỷ sản, hàng dệt may sang Mỹ, châu Âu đạt kim ngạch lớn như hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài nhiều như bây giờ”. TS Phạm Sỹ, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói.

TS Thành khẳng định rằng, việc tham gia những sân chơi lớn như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà Mỹ và các đối tác khởi động gần đây không phải là thứ trừu tượng, mà là tầm nhìn lâu dài, sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế và xã hội cũng như từng cá nhân, dù trước mắt chưa thể nhìn thấy ngay.

Việt Nam nên cùng Mỹ định hình luật chơi trong IPEF

TS Phạm Sỹ Thành

Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 26/7, TS Thành nhấn mạnh rằng IPEF không phải là một hiệp định tự do thương mại, vì thế rất khó để so sánh nó với RCEP hay EVFTA. Ông cho rằng IPEF bản chất là cuộc đua về luật chơi trên 4 trụ cột, để khắc phục những lỗ hổng mà WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vẫn chưa vá được. Đại dịch COVID-19 trong mấy năm qua khiến tính bền vững của chuỗi cung ứng bị đe dọa, và IPEF được thiết kế để đối phó với những thách thức như vậy.

Theo TS Thành, trong các nước ASEAN hiện nay vẫn còn một số điều hoài nghi và chưa hiểu rõ về IPEF. Một trong những quan ngại là về mô hình, khi nhiều người không biết IPEF cuối cùng hướng đến điều gì. Ông cho rằng các nước trong khu vực chủ yếu vẫn quan tâm nhiều đến “cơm áo gạo tiền”, đến thúc đẩy xuất khẩu, đến GDP, trong khi họ chưa biết phải làm gì.

Một quan điểm nữa hiện nay cho rằng IPEF là nỗ lực của Mỹ để vá víu chiến lược, vì sau khi rút khỏi TPP, vai trò kinh tế của Mỹ ở khu vực có vẻ mờ nhạt, còn những sáng kiến trước như Mạng lưới điểm xanh, B3W… không được quan tâm nhiều lắm. Vì thế, Mỹ cần một chiến lược bao trùm để khẳng định với ASEAN rằng Mỹ vẫn ở đây, vẫn là người dẫn dắt và tạo ra luật chơi, giống như một chiếc iPhone liên tục được nâng cấp.

Một quan điểm khác cho rằng với IPEF, Mỹ có vẻ đòi hỏi các nước đáp ứng nhiều hơn những gì có thể mang lại cho họ, như giảm thuế, ưu đãi tiếp cận thị trường hay về tiêu chuẩn. Một lo ngại khác là tính lâu bền, khi các nước không thể biết sáng kiến có thể tồn tại đến khi nào, nếu sau 2 năm nữa có tổng thống mới. Một số nội dung về hạ tầng và chống tham nhũng cũng có cách diễn giải khác nhau giữa Mỹ với một số nước khu vực.

Hiệu ứng chim đầu đàn

Đánh giá về tầm quan trọng của IPEF, TS Thành nói rằng khi nhìn vào các sáng kiến kinh tế của Mỹ, ông không chú ý nhiều vào quy mô vốn đầu tư tài trợ, vì đầu tư của Mỹ đến từ khu vực tư nhân chứ không phải từ ngân sách nhà nước, dựa trên đánh giá hiệu quả của từng dự án cụ thể trong từng giai đoạn. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ là nơi tạo ra sáng kiến, hút nguồn lực từ các quốc gia khác xung quanh họ, trong khi các quốc gia khác chưa thể làm điều này. Khả năng duy trì năng lực về tiêu chuẩn của Mỹ cũng mạnh. Sau khi các tiêu chuẩn của IPEF được định hình, nó sẽ đạt mức độ cao và được duy trì trong thời gian dài.

Việt Nam nên cùng Mỹ định hình luật chơi trong IPEF

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại lễ công bố IPEF ở Nhật Bản ngày 23/5 Ảnh: TTXVN

“Mô hình tiêu chuẩn cao đó sẽ dựa trên sự dẫn dắt năng động của khu vực tư nhân. Đây là lợi thế mà chúng ta có thể nhìn thấy khi tham gia IPEF”, TS Thành nói. Ông nhấn mạnh rằng sau khi Mỹ đầu tư vào đâu thì các doanh nghiệp vệ tinh, hệ sinh thái của họ sẽ theo sau. “Ví dụ, một dự án của Mỹ sẽ thu hút doanh nghiệp của Nhật Bản hoặc Úc hoặc các quốc gia khác có chung hệ tiêu chuẩn cùng đầu tư vào, sẽ tạo ra hiệu ứng đầu tư lớn. Chúng tôi gọi đó là hiệu ứng chim đầu đàn”, TS Thành nói.

Ông Thành cho rằng IPEF rất đáng để Việt Nam tham gia đàm phán khuôn khổ này, vì nhu cầu của kinh tế Việt Nam là nâng cấp. “Phần lớn luật kinh doanh, luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật đầu tư nước ngoài… chỉ xuất hiện ngay trước khi chúng ta chạy đua để đàm phán vào WTO, EVFTA, hay TPP. Nghĩa là khi có yêu cầu từ bên ngoài thì chúng ta mới nâng cấp hệ thống luật của mình lên, từ đó nâng cấp chất lượng và môi trường kinh doanh”, TS Thành nói.

Lễ khởi động IPEF diễn ra tại Tokyo ngày 23/5, nhân dịp Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nhật Bản. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, 12 quốc gia khác gồm Úc, Fiji, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đang trong quá trình thảo luận để chuẩn bị cho đàm phán chính thức cấp bộ trưởng vào tháng 9 tới, để làm rõ nội hàm của 4 trụ cột của sáng kiến, gồm thương mại và chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.

Với IPEF, TS Thành cho rằng Việt Nam sẽ không phải chạy đua để thay đổi và thích ứng, mà với việc tham gia ngay từ đầu, nước ta sẽ là một trong những bên thiết kế luật chơi. Khi tham gia từ đầu, Việt Nam được quyền nêu ý kiến, có quyền mặc cả, quyền thiết kế vấn đề mà mình muốn thảo luận. TS Thành cho rằng chính quyền Mỹ hiện nay có vẻ đang mở rộng khả năng thu hoạch sớm, nghĩa là họ không thúc ép phải đàm phán cả 4 trụ cột, mà các thành viên chọn trụ cột nào cũng được.

“Nếu chọn kinh tế kỹ thuật số, trụ cột đó có quá tầm với của Việt Nam không? Về cơ bản, những gì khó nhất chúng ta đã “nhằn” hết qua TPP hay CPTPP rồi, nên có triển khai thì khả năng là lấy TPP làm chuẩn, rồi mở rộng thêm một số nội dung nhưng sẽ không quá ngặt nghèo, vì Mỹ cần sự tham gia của các nước trong khu vực này để thu hoạch sớm. Chúng ta đã lường trước được nội dung, độ khó không quá thách thức cho 16 tháng tới”, TS Thành nhận định.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao và từng có nhiệm kỳ đại sứ tại Mỹ, cho rằng những sân chơi như WTO đang đứng trước những thách thức lớn, vì thế Việt Nam cần xa lộ đến những trung tâm kinh tế của thế giới. Việt Nam đã có xa lộ đến châu Âu, đến Đông Á, nhưng vẫn thiếu xa lộ đến Bắc Mỹ. “Hậu TPP, chúng ta chưa biết xa lộ sang Bắc Mỹ như thế nào. Với IPEF, chúng ta đang có cơ hội để có kết nối đó. Đó là cuộc chơi định hướng, trong đó có phản ánh những ưu tiên của chúng ta. IPEF không triệt tiêu mà bổ sung những hiệp định đã có”, ông Vinh nói.

Đại sứ Vinh cho rằng từ nay đến tháng 9, tức là giai đoạn trước khi đàm phán chính thức, Việt Nam nên thực sự tham gia vào tham vấn ban đầu, để hiểu các nước khác muốn gì, Mỹ muốn gì, qua đó chúng ta xác định xem mình muốn gì và có thể đóng góp gì, và nên tham gia ở mức độ nào.

Thu Loan

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả