Vì sao vàng nhẫn ngày càng đắt?
Nhẫn tròn trơn lên đỉnh và vênh tới 4-5 triệu đồng so với thế giới trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, còn doanh nghiệp ngại rủi ro khi mua vàng nguyên liệu.
Năm qua, vàng nhẫn tròn trơn 24K ghi nhận mức sinh lời vượt trội và liên tiếp xác lập các mức đỉnh mới.
Giá vàng nhẫn bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 10 năm ngoái và ngày càng nới rộng cách biệt với thế giới. Hiện, mỗi lượng vàng nhẫn đã cao hơn gần 10 triệu đồng so với cách đây một năm, tương đương mức tăng 18%, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Trong ngày 27/2, giá vàng nhẫn 24K có thời điểm lên 65-66 triệu đồng một lượng, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi vàng nhẫn trước đây chỉ cao hơn khoảng 1-2 triệu đồng so với thế giới thì hiện chênh lệch cũng bị đẩy lên cao 4-5 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng nhẫn trơn 24K trên thực tế là loại vàng nữ trang với độ nguyên chất 99.99%, thường được dùng với mục đích làm quà tặng và tích trữ đầu tư hơn là làm trang sức đeo hằng ngày.
Về bản chất, vàng nhẫn trơn 24K là loại vàng nguyên chất hay còn được gọi là vàng ta, tương tự như vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không được "gắn mác" độc quyền bởi nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này cũng dẫn đến sự chênh lệch cả chục triệu đồng giữa mỗi lượng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.
Mặt hàng này gần đây không tăng giá mạnh, có những thời điểm rơi vào tình trạng "khan hàng", như giai đoạn sau Tết Nguyên đán đến ngày vía Thần Tài. Nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn như DOJI, PNJ tại TP HCM và Hà Nội dịp vía Thần Tài không kinh doanh hoặc có rất ít nhẫn tròn trơn 24K. Một số khách tới hỏi mua nhưng bỏ về hoặc chuyển qua loại vàng khác khi nhân viên cho biết phải tới đầu tháng 3 mới có hàng trở lại.
Thương hiệu vàng lâu đời Mi Hồng (TP HCM) dịp vía Thần Tài mới đây cũng giới hạn mỗi người mua tối đa một chỉ. Theo đại diện cửa hàng, do nguồn nhẫn trơn không dồi dào như các năm trước.
Cửa hàng Mi Hồng trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP HCM dịp cao điểm vía Thần Tài
chỉ có vàng nhẫn tròn trơn 1 chỉ hoặc 5 phân (nửa chỉ) hoặc 1 lượng. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tình trạng thiếu nguồn cung vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang và mỹ nghệ khiến giá vàng có thể ngày càng đắt so với thế giới, đã được Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) kiến nghị và cảnh báo từ nửa cuối năm ngoái.
Trong chục năm nay, doanh nghiệp trong nước có hai cách để sản xuất vàng nữ trang và mỹ nghệ, trong đó có nhẫn tròn trơn. Thứ nhất, doanh nghiệp mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. Thứ hai, doanh nghiệp mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn hay còn gọi vàng trôi nổi.
Trong chục năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị định 24, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, nguồn thu mua vàng trên thị trường là nguồn duy nhất để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Điều này theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế phải dùng nguồn vàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc trên thị trường để chế tác vàng nữ trang. Hằng năm có nhiều vụ buôn lậu vàng được Bộ Công an triệt phá, nhất là các vụ với số lượng lớn gần đây, dẫn đến không thể phủ nhận thực tế hằng năm có lượng lớn vàng lậu chảy vào Việt Nam và được tiêu thụ.
Ông Khánh cho biết: "Việc siết các vụ buôn lậu và điều tra của Bộ công an gần đây khiến nhiều doanh nghiệp trong nước e ngại. Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng đã có chỉ thị, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vàng phải nhập hàng có hóa đơn nguồn gốc rõ ràng".
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA cho biết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua vàng trên thị trường. "Vì vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu", ông Long chia sẻ thêm.
Vào nửa cuối năm ngoái, Chủ tịch VGTA cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp hàng đầu là SJC, DOJI, PNJ, mỗi đơn vị nhập khẩu 500 kg vàng để chế tác nữ trang. Nhưng tới nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.
Do đó, ông Khánh nói, nguồn nguyên liệu chế tác vàng của các doanh nghiệp đặc biệt trong mùa Thần Tài năm nay trở nên hạn chế hơn so với mọi năm, trong bối cảnh lo ngại rủi ro pháp lý khi thu mua vàng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, theo lý giải của Phó chủ tịch VGTA việc kinh doanh vàng nhẫn trơn mang về biên lợi nhuận thấp hơn so với các mặt hàng nữ trang khác có tiền gia công. Vì thế, nhẫn tròn trơn không phải là mặt hàng được ưu tiên đẩy mạnh kinh doanh khi nguồn nguyên liệu hạn chế.
Ngoài ra, nhu cầu có phần tăng lên của người dân đối với nhẫn tròn trơn, theo chuyên gia, cũng khiến mặt hàng này nhanh chóng khan hàng vào dịp cao điểm. Trên thực tế, có một bộ phận người dân chuyển dịch từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn khi họ đang chờ đợi các quy định mới về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không hoặc các cách thức can thiệp để giảm chênh lệch giá vàng miếng so với thế giới, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận