Vì sao tiêu thụ xi măng tăng “xuyên dịch”?
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng đến sản xuất, trong đó có sản xuất xi măng.
Có thời điểm một số nhà máy xi măng phải hoạt động cầm chừng, hoặc tạm dừng để sửa chữa khi giãn cách khiến việc vận chuyển, tiêu thụ xi măng gặp khó. Nhưng khó khăn là tạm thời và tiêu thụ xi măng vẫn tăng “xuyên dịch”.
Tiêu thụ tăng “xuyên dịch”
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tháng 9 đầu năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt 77,47 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 45,58 triệu tấn, tương đương cùng kỳ; xuất khẩu tăng đến 19% so cùng kỳ, đạt 31,89 triệu tấn; riêng Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) xuất khẩu 14,45 triệu tấn. Tồn kho cả nước trong 9 tháng còn 3,6 triệu tấn, tương đương từ 15 - 20 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Dịch Covid-19 lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sản xuất. Sản xuất, tiêu thụ xi măng cũng không ngoại lệ nhưng do đà tăng trưởng từ những tháng trước đó đã giúp mốc tiêu thụ xi măng 9 tháng đi ngang cùng kỳ, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, khiến bức tranh toàn ngành sáng hơn kỳ vọng.
Nguồn cung không tăng trong năm 2021
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ nay đến cuối năm, nếu giải ngân nguồn vốn đầu tư công gần 250.000 tỷ đồng sẽ góp phần làm cho tăng trưởng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm. Nền kinh tế đang dần mở cửa, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng. Các nhóm ngành được dự báo có thể sớm phục hồi là xây dựng, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng…
Theo TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, từ nay đến cuối năm, không có dây chuyền mới đi vào hoạt động. Tổng số dây chuyền xi măng hiện có là 86 dây chuyền với công suất 105 triệu tấn. Như vậy, từ nay đến cuối năm, các nhà máy sẽ tạm loại bỏ được áp lực gia tăng thêm nguồn cung.
Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, với đà phục hồi chung của nền kinh tế và các hoạt động đầu tư xây dựng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, kế hoạch tiêu thụ từ 104 đến 107 triệu tấn xi măng trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
Cạnh tranh khốc liệt, chỉ có một con đường
Xu thế chung của ngành Xi măng là hình thành các tổ hợp nhà máy có quy mô đủ lớn, đủ tầm, làm ăn chuyên nghiệp và đủ sức cạnh tranh. Quy mô nhà máy xi măng lý tưởng, đủ sức cạnh tranh, tránh lãng phí các nguồn lực về quản trị là nhà máy có quy mô công suất từ 7 triệu tấn trở lên.
Không có nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động trong năm 2021 nhưng do áp lực dư cung nên các doanh nghiệp xi măng không chủ quan, luôn nhận diện khó khăn, thách thức, nỗ lực cải tiến công nghệ, sản xuất các chủng loại mới có tính năng cao hơn, chất lượng tốt hơn, gia tăng phụ gia, giảm clinker…
Trong cuộc cạnh tranh này, theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, các doanh nghiệp xi măng cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời xác định áp lực cạnh tranh sẽ không có điểm dừng, mỗi thời điểm ngành Xi măng cần giải quyết thách thức riêng. Nhưng cạnh tranh chính là động lực giúp doanh nghiệp xi măng phát triển. Cạnh tranh ở nhiều góc độ nhưng hướng đi duy nhất giúp các doanh nghiệp xi măng tồn tại và phát triển bền vững, đó là hướng đến nền sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt và nhu cầu xi măng để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước sẽ ngày càng tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận