Vì sao ngân hàng đua phát hành trái phiếu lãi suất cao?
Các ngân hàng phải trả chi phí cao hơn khi phát hành trái phiếu, nhưng kênh này giúp họ cân đối tỷ trọng huy động và an toàn vốn.
Nửa đầu năm nay, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 202.400 tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng, theo VIS Rating. Tháng 7, các ngân hàng phát hành thêm 27.000 tỷ đồng, theo số liệu của FiinRatings - công ty xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup. Mức này chiếm tới 87% tổng giá trị thị trường, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
BVBank chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9% một năm. Từ năm thứ hai, lãi suất bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 2,5%. Tương tự, cuối tháng 8, HDBank cũng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất cao hơn 2,8% so với bình quân tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng tại thời điểm thanh toán.
Loạt nhà băng khác như BIDV, VPBank, MB, BIDV, ACB, OCB... cũng có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi cao hơn tiền gửi khoảng 1-1,5%.
Thực tế, hoạt động chính của nhà băng là "buôn tiền", tức họ huy động vốn và cho vay. Lợi nhuận hoạt động này được xác định bằng chênh lệch chi phí vốn và lãi vay. Để tăng hiệu quả kinh doanh, các ngân hàng thường hướng tới việc giảm chi phí vốn, thay vì tăng lãi suất cho vay.
So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 5,5 đến 6% một năm như hiện tại, trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ hơn, nhưng các nhà băng vẫn tìm tới kênh huy động này thời gian qua. Bà Lê Phương Uyên - chuyên viên phân tích mảng ngân hàng của VPBankS lý giải kênh này giúp các nhà băng tăng vốn tự có, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Bởi, trái phiếu giúp ngân hàng huy động vốn cấp 2 (vốn bổ sung) với giá trị lớn để mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo các tiêu chuẩn Basel được tính dựa trên quy mô so với tài sản có trọng số rủi ro. Khi các nhà băng duy trì tăng trưởng tín dụng 14-15% mỗi năm, phần mẫu số của công thức này liên tục tăng. Để đảm bảo tỷ lệ CAR, các nhà băng bắt buộc phải tăng vốn.
Ngoài ra, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước; cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%.
Trong khi đó, huy động tiền gửi từ đầu năm nay chậm lại do lãi suất kém hấp dẫn so với những kênh đầu tư khác. Thông thường, người gửi tiền có khuynh hướng chọn kỳ hạn dài hơn khi lãi suất ở vùng thấp, để tối ưu hóa lợi ích. Tuy nhiên, diễn biến này thường phù hợp trong bối cảnh không có giải pháp thay thế. Nhưng nửa đầu năm nay, những kênh đầu tư an toàn có thể thay thế, như vàng, trở thành điểm nóng.
Ở nhóm quốc doanh, Vietcombank (VCB) tăng trưởng tín dụng hơn 8% trong 6 tháng đầu năm, trong khi huy động chỉ tăng 2%. Với nhóm tư nhân, mức chênh lệch giữa tín dụng và huy động còn lớn hơn. Tăng trưởng tín dụng của nhóm nhà băng tư nhân top đầu như Techcombank, VPBank hay ACB ở ngưỡng trên dưới hai lần so với huy động.
"Trần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30% buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh các nguồn vốn trung dài hạn và trái phiếu là lựa chọn khả thi", chuyên gia từ VPBankS bình luận. So với lãi suất huy động tiền gửi bình quân, mức lãi trái phiếu thường cao hơn. Nhưng nếu so với một số biện pháp huy động vốn dài hạn, chi phí của kênh này vẫn ở nhóm tối ưu nhất.
Ngoài ra, trái phiếu phát hành với nhiều kỳ hạn khác nhau, giúp ngân hàng quản lý dòng tiền và rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Kênh này cũng là cách giúp đa dạng hóa nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.
Theo trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội, việc các ngân hàng liên tục phát hành, đồng thời mua lại trước hạn các lô trái phiếu cũ trong các giai đoạn lãi suất biến động cho thấy những tính toán trong cơ cấu chi phí vốn của họ.
Nhóm phân tích của FiinRatings cho rằng khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại năm nay, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc. Còn đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các nhà băng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận