Vì sao giá cho thuê khu công nghiệp tại các vùng miền khác nhau?
Chi phí lãi vay là một trong những yếu tố khiến giá cho thuê khu công nghiệp (KCN) tại các vùng miền trên cả nước khác nhau.
KCN Nhơn Trạch 1 của IDC
Tại Talkshow “Sức hút cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Phan Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC), cho biết có thể chia làm 3 phần về xu hướng đầu tư vào KCN: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài mở rộng và các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại đầu tư vào Việt Nam.
Về tỷ trọng, nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất có tỷ trọng cao hơn vì nhóm này có khả năng nắm bắt cơ hội đầu tư và khả năng khai thác thị trường (nhờ có sẵn nhà máy). Sau COVID-19, nhu cầu hàng hóa tăng lên và trên cơ sở hiện có hoặc phát huy mở rộng ra, số lượng nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng tương đối nhiều.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng nắm bắt được nhiều cơ hội, có những nhà đầu tư lớn trong thời gian qua như Hòa Phát hoặc một số đơn vị khác đã triển khai các dự án rất lớn để khai thác thị trường ngách.
Thêm vào đó, thời gian qua, chi phí logistics quá đắt đỏ nên nhà đầu tư nhìn nhận lợi thế về logistics cũng là một cơ hội. Chính vì vậy, một số quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam từ lâu đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực logistics và kho bãi.
Về khẩu vị khách thuê thì có liên quan đến nhu cầu của khách hàng đến từ nhiều góc độ: Nhu cầu phục vụ hàng xuất khẩu; nhu cầu tại chỗ và nhu cầu hỗn hợp.
Đối với khẩu vị khách thuê đất để xây dựng nhà xưởng, đây thường là những khách hàng có nhu cầu về diện tích trung bình và lớn. Thời gian qua, lĩnh vực nhà xưởng phát triển rất mạnh vì có nhiều doanh nghiệp đầu tàu đã tham gia vào Việt Nam như Samsung,…
Theo ông Chính, hiện nay, tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh lân cận TP.HCM đang rất cao. Nguồn cung phụ thuộc vào quy hoạch phát triển KCN của từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất được phép phát triển mỗi năm là bao nhiêu ha.
Lĩnh vực này cần có sự chuẩn bị bởi để triển khai được 1 KCN phải mất thời gian 3-4 năm, nếu nhanh phải mất 3 năm, còn chậm phải mất 5 năm.
Vì sao giá cho thuê khu công nghiệp tại các vùng miền khác nhau?
Theo ông Chính, giá cho thuê đất nên phân theo 3 vùng miền Bắc, Trung, Nam. Giá ở miền Nam cao nhất, đến miền Bắc, rồi đến miền Trung, xuất phát từ đặc điểm và điều kiện.
Có thể nói, thứ nhất, nhu cầu miền Trung thấp hơn Nam và Bắc, do đó, mọi vấn đề theo giá thị trường. Đặc biệt, miền Trung không phải phát triển đô thị, công nghiệp, do đó quỹ đất với chi phí đền bù thấp hơn.
Phía Bắc, các KCN trước đây được triển khai tương đối thuận lợi do phần lớn là đất lúa nên triển khai đền bù thuận lợi hơn và chi phí đền bù tương đối cạnh tranh.
Ở miền Nam, chi phí đền bù cao do nhiều nguyên nhân. Phần lớn đất công nghiệp nằm trên đất rẫy, đất của dân, do đó ngoài chi phí đền bù về đất còn có chi phí đền bù vật kiến trúc, nhà cửa, tài sản trên đất. Ngoài ra, chi phí tái định cư, chi phí nhà ở của người lao động làm độn giá chi phí đầu tư lên cao.
Thêm một yếu tố nữa mà nhiều người không để ý là chi phí về lãi vay. Chi phí về lãi vay với đầu tư KCN, khi đền bù do chủ đầu tư tự bỏ ra, ngân hàng không cho vay khi đền bù, ngân hàng chỉ cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đường xá và cơ sở hạ tầng khác. Do đó, chi phí bỏ ra ban đầu của chủ đầu tư tương đối lớn. Trong chu kỳ kinh doanh, những năm đầu thu hút sẽ hạn chế hơn, dòng tiền sẽ bị eo hẹp hơn. Chính vì thế, chi phí tài chính trong dự án miền Nam bị đẩy cao hơn và làm cho giá thuê phía Nam tương đối cao.
Bên cạnh đó, giá thuê ở miền Nam cao còn liên quan đến vấn đề cung cầu. Cung phía Nam có thể không nhiều lắm nhưng cầu phía Nam tương đối cao vì khả năng xuất khẩu, khả năng phục vụ thị trường do được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn.
Doanh nghiệp cao cu lấn sân sang KCN có lợi thế gì?
Ông Chính cho rằng doanh nghiệp cao su khi triển khai KCN thì thuận lợi là tài sản của mình, tự quyết định được thời gian, chi phí giải phóng mặt bằng - đặc điểm thuận lợi vô cùng.
Tuy nhiên, đối với ngành cao su, khi triển khai các khu vực quy hoạch KCN thì các địa phương phải quy hoạch không chỉ một khu mà nhiều khu. Theo Nghị định 35 mới ban hành, quy mô KCN tối đa là 500 ha. Do đó, khả năng ngành cao su nếu tham gia trên đất cao su thì chỉ được một khu chừng 500 ha. Vậy, diện tích còn lại sẽ dành cho các nhà đầu tư khác tham gia.
Chia sẻ về những khó khăn trong đầu tư KCN, ông Chính cho biết có hai khâu khó khăn nhất sau khi có giấy chứng nhận chấp thuận là nhà đầu tư đền bù giải phóng mặt bằng và cho thuê đất.
Đền bù giải phóng mặt bằng là tạo được sản phẩm mặt bằng để tạo sản phẩm cho thuê đất, còn cho thuê đất là để tạo dòng tiền để hoàn vốn đầu tư. Cái cần nhất là chủ đầu tư phải có nguồn tài chính của chính mình để đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận