Vì sao Comeco đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 giảm hơn nửa?
ĐHĐCĐ thường niên 2024 sáng 19/04 của Comeco (HOSE: COM) thông qua mục tiêu đi lùi về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, ĐHĐCĐ đã thông qua doanh thu 4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn năm trước 8%; lãi ròng 16 tỷ đồng, giảm 53%. Cổ tức tỷ lệ 15% (1 cp nhận 1,500 đồng) cho năm 2024, bằng năm trước.
Đằng sau sự thận trọng trên là dự báo của COM về tình hình khó khăn và nhiều vấn đề có thể gặp phải trong năm 2024.
Kết quả các năm và kế hoạch 2024 của Comeco
Nguồn: VietstockFinance
Đầu tiên là tình hình kinh tế, chính trị thế giới có diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro với nguy cơ tác động đến triển vọng phục hồi kinh tế trong nước. Giá xăng dầu cũng tương tự do căng thẳng về chính trị, chiến tranh Nga-Ukraine…
Thứ hai, Nghị định 80/2023-NĐ-CP có hiệu lực từ 17/11/2023 với quy định 7 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị hàng tồn kho để giảm thiệt hại và tăng lợi nhuận. Quy định cho phép đại lý mua hàng từ 3 doanh nghiệp đầu mối, quy định áp dụng xuất hóa đơn bán lẻ… cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý, gia tăng chi phí kinh doanh của Công ty.
Thứ ba, việc phân luồng giao thông, thi công các công trình hạ tầng, dự án cải tạo nâng đường, quy định cấm xe container, tải nặng… cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các chi nhánh COM.
Thứ tư, chi nhánh số 21 và 34 của COM nhiều khả năng phải ngưng hoạt động từ cuối tháng 5 và tháng 08/2024, nếu đối tác không đồng ý chuyển từ hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh sang hợp đồng thuê để đáp ứng quy định từ Sở Công Thương, liên quan đến giấy phép đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Đây là các chi nhánh lớn của COM, do đó có thể ảnh hưởng đến sản lượng kinh doanh. Việc mở chi nhánh mới cũng gặp khó, do các doanh nghiệp có vốn cổ phần Nhà nước phải tuân thủ quy định về đấu giá khi thuê mặt bằng.
Thứ năm, nhiều khoản chi phí tiếp tục tăng cao (tiền thuê đất, tiền điện nước, chi phí bảo hiểm…) tiếp tục tăng. Doanh nghiệp cũng dự kiến đầu tư xe bồn mới thay thế 5 xe hết hạn lưu hành cuối năm 2024. Ngoài ra, các chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm xuất hóa đơn, chi phí cải tạo, nâng cấp cơ sở kinh doanh… có thể đẩy chi phí lên cao.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Comeco. Ảnh: Châu An
Về kế hoạch thù lao, ĐHĐCĐ thông qua mức 10 triệu đồng/tháng cho Chủ tịch, 7.5 triệu đồng/người/tháng cho các Thành viên HĐQT; Trưởng BKS và các thành viên trong ban nhận 5 triệu đồng/người/tháng.
ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên BKS đối với ông Bùi Huy Thắng, và bầu bổ sung 1 thành viên cho nhiệm kỳ 2022-2026 là bà Trần Thị Tố Như.
Quý 1 thực hiện 20-25% kế hoạch năm
Ông Lê Tấn Thương – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT cho biết kết quả quý 1 đạt khoảng 20 – 25% kế hoạch năm được ĐHĐCĐ thông qua. Con số chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên dựa trên tỷ lệ này, có thể ước tính lãi ròng của Doanh nghiệp trong quý 1 rơi vào khoảng 4 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.
Ông Thương cũng chia sẻ về câu chuyện liên quan đến nghị định yêu cầu xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu. Ông cho biết, việc thực hiện nghị định này đồng nghĩa mỗi lần bán lẻ xăng dầu đều phải xuất hóa đơn, và chi phí thực chất là rất tốn kém.
Về kỳ điều chỉnh 10 ngày thành 7 ngày năm 2023, ông Thương cho biết thực chất kỳ điều chỉnh như vậy là ngắn với doanh nghiệp bán lẻ, vì trong 7 ngày đã có 2 ngày nghỉ. Do đó, dẫn đến rắc rối trong vấn đề xuất kho, nhập kho.
ĐHĐCĐ 2024 của Comeco kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường