Vì sao chứng khoán bị bán tháo giảm gần 60 điểm phiên 15/4?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên điều chỉnh khốc liệt nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Áp lực bán tháo đã khiến vốn hóa sàn HoSE bị thổi bay gần 10 tỷ USD.
Chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4 ở mốc 1.216,61 điểm sau khi lao dốc gần 60 điểm, nhịp điều chỉnh sâu nhất kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay. Với biên độ giảm 4,7%, VN-Index nhanh chóng trở thành chỉ số chứng khoán có phiên điều chỉnh mạnh nhất khu vực châu Á.
Chỉ số đại diện rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30-Index hôm qua cũng đánh rơi 56,84 điểm (-4,43%) xuống 1.277,9 điểm. Trong 29 mã giảm hôm nay, rổ VN30 chứng kiến 6 mã giảm kịch biên độ là VRE, GVR, BCM, MSN, SSI, BID. Duy nhất cổ phiếu SHB giữ được sắc xanh với biên độ 0,4%.
Tổng cộng, toàn thị trường ghi nhận 138 mã tăng (gồm 16 mã tăng trần), 726 mã giữ tham chiếu trong khi có tới 744 mã giảm (gồm 157 mã giảm sàn).
Đâu là nguyên nhân?
Theo ông Võ Văn Huy, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán DNSE, giảng viên Học viện New World Education, diễn biến giao dịch hôm nay không phải điều quá bất ngờ.
“Nhịp giảm mạnh hôm 15/4 xuất phát từ áp lực chốt lời đáng kể, đặc biệt khi VN-Index đã neo ở vùng đỉnh 19 tháng trong một khoảng thời gian khá dài”, ông Huy nhận định.
Trên thực tế, trong một giai đoạn uptrend (thị trường tăng giá - PV) dài hạn, thị trường luôn cần một đợt điều chỉnh để có thể tiến lên mốc xa hơn. Tuy chỉ số đã hồi phục trong 2 phiên gần nhất nhờ lực đỡ từ nhóm ngân hàng, việc thanh khoản không thực sự nổi trội khiến đà tăng dễ dàng suy yếu. Nhìn rộng hơn, nhà đầu tư có thể thấy dòng tiền luôn hụt hơi mỗi khi chỉ số áp sát mốc 1.300 điểm.
VN-Index có mức điều chỉnh mạnh nhất 2 năm trở lại đây.
Ngoài ra, tâm lý phòng thủ có chiều hướng gia tăng khi CPI của Mỹ vượt quá dự đoán trong tháng thứ 3 liên tiếp. Dấu hiệu này có thể khiến kế hoạch giảm lãi suất của Fed bị trì hoãn.
Lợi suất trái phiếu và giá trị của đồng USD đều tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, tình hình xung đột vũ trang tại một số quốc gia trên thế giới đẩy giá hàng hóa tăng cao và để lại nhiều lo ngại về áp lực lạm phát tiềm ẩn.
Không riêng thị trường Việt Nam, các thị trường chứng khoán quốc tế cũng đang rơi vào tình trạng suy yếu. Do đó, tác động từ thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung đều mang tính tiêu cực.
Ở trong nước, việc tỷ giá thị trường tự do tiếp tục lập kỷ lục 25.550 đồng/USD (bán) vào sáng 15/4 cũng phần nào tác động đến tâm lý “cầm hàng” của nhà đầu tư.
Tương tự, ông Trần Lâm Bình, chuyên gia phân tích, giảng viên tại Học viện New World Education, nêu 3 nguyên nhân đứng sau nhịp điều chỉnh của thị trường hôm nay gồm áp lực tỷ giá, hoạt động cơ cấu quỹ của khối ngoại và căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
“Dù rủi ro giảm điểm đã được tính đến trong kịch bản tuần này, việc tốc độ giảm đột ngột vào cuối phiên chiều làm nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp”, vị chuyên gia chia sẻ.
Cần thời gian để tìm điểm cân bằng
Sau phiên giảm điểm này, chuyên gia Trần Lâm Bình tin rằng thị trường sẽ cần thời gian để lấy lại trạng thái thăng bằng và tích lũy lực cầu, đồng thời nạp thêm thông tin hỗ trợ để lấy lại động lực tăng giá. Động lực này có thể đến từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp, dự kiến công bố trong giai đoạn cuối tháng này và đầu tháng 5.
Ông Bình dự báo khả năng cao thị trường sẽ còn tích lũy từ đây đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Trên đồ thị kỹ thuật, nhà đầu tư cần lưu tâm 2 vùng hỗ trợ quan trọng là mốc 1.200 điểm, tương ứng vùng hỗ trợ tâm lý. Nếu vùng hỗ trợ này bị phá vỡ thì mốc hỗ trợ kế tiếp sẽ là 1.175 điểm, tương đương mức giá trung bình 200 ngày.
Với quan điểm thận trọng, ông Võ Văn Huy cho biết khó có thể đánh giá chính xác diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Dự kiến, thị trường sẽ còn biến động khó lường và tiềm ẩn khả năng giằng co trong các phiên tiếp theo.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo dữ dội hôm 15/4
Theo vị chuyên gia, thị trường được kỳ vọng tìm một vùng cân bằng mới chứ không kéo dài đà giảm do hiện tại bối cảnh kinh tế trong nước có phần hồi phục, đặc biệt trong quý I.
Ngoài ra, lượng giao dịch những phiên gần đây của nhà đầu tư hầu hết là tiền tươi trong bối cảnh lượng margin bị thắt chặt. Do đó, phiên giảm mạnh hôm nay có thể rũ bỏ một phần những tài khoản margin đang âm nặng.
Các chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư cần tranh thủ những phiên hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu, hạ margin, gia tăng tiền mặt, đồng thời duy trì tâm lý phòng thủ toàn diện.
Các nhà đầu tư cũng không nên vội vàng bắt đáy mà cần đợi tín hiệu xác nhận của thị trường. “Hạn chế mua trung bình giá trong những pha giảm điểm vì cần thời gian để thị trường lấy lại thăng bằng sau pha rơi sốc đột ngột như hôm nay”, chuyên gia Trần Lâm Bình lưu ý nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò tại một số cổ phiếu có nền tảng tốt và đã lui về vùng hỗ trợ mạnh như trung bình 100 ngày/200 ngày.
Bên cạnh đó, ông Võ Văn Huy khuyến nghị nhà đầu tư lưu ý một số thông tin trong giai đoạn tới gồm xung đột Iran - Israel và động thái của các nước lớn; tình hình tỷ giá; diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ; động thái của nhóm ngân hàng vì đây là nhóm tích cực nhất so với mặt bằng thị trường và một số nhóm có câu chuyên riêng như chứng khoán, bán lẻ, dầu khí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận