24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS. Cấn Văn Lực: Giảm lãi suất giúp các lĩnh vực kinh doanh khác được hưởng lợi nhiều hơn ngành bất động sản

Theo góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực, với các chính sách cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, giữ nhóm nợ và căng thẳng thanh khoản giảm giúp các ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất, từ đó giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Ngoài chính sách tiền tệ, Việt  Nam còn sử dụng các chính sách tài khóa như đầu tư công, giảm thuế để các doanh nghiệp duy trì được lượng tiền thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Chiều 11/05/2023, CTCK VNDirect đã tổ chức diễn đàn DINSIGHTS về “Triển vọng ngành ngân hàng 2023”.

TS. Cấn Văn Lực: Giảm lãi suất giúp các lĩnh vực kinh doanh khác được hưởng lợi nhiều hơn ngành bất động sản

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại diễn đàn DINSIGHTS do CTCK VNDirect tổ chức

Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - đã có những chia sẻ về vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là các doanh nghiệp lĩnh vực khác ngoài tài chính và bất động sản được hưởng lợi gì khi các chính sách được ban hành trong thời gian qua chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo TS Cấn Văn Lực, thực tế thì các số liệu kinh tế vĩ mô đã bắt đầu xấu đi từ quý 4 năm ngoái. Năm nay kinh tế vĩ mô quý 1 của Việt Nam tương đối xấu chủ yếu do lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị âm, còn lại nông nghiệp và dịch vụ vẫn tăng trưởng ở mức gần tương đương trước dịch. Lý do lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị âm chính là do thiếu đơn hàng và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Vì vậy đa số các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đã cắt giảm sản lượng. Theo đó những tỉnh nào thời gian vừa qua phụ thuộc nhiều vào FDI thì suy giảm tăng trưởng rất rõ, Bắc Ninh là một ví dụ. Điều này rõ ràng phụ thuộc chủ yếu vào sức cầu bên ngoài. Có thể thấy rõ là hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như điện tử, điện máy, dệt may, da giày, gỗ đều bị suy giảm. Và những ngành nghề này hiện nay đang gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết liệt đưa ra một loạt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho 3 câu chuyện lớn của Việt Nam là: Trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và đầu tư công.

TS Cấn Văn Lực bày tỏ: “Tháng 3 và tháng 4 vừa qua đã chứng kiến sự kiện chưa từng có khi chỉ trong 1 tháng mà có đến 5 quyết sách rất quan trọng đó là Nghị định 08 cho phép giãn hoãn nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cho dù ngắn nhưng vẫn là giải pháp trong tình thế cấp bách.

Quyết sách thứ 2 là Nghị quyết 33 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thị trường bất động sản. Trong đó có 3 trụ cột quan trọng là tháo gỡ về mặt pháp lý, tháo gỡ khó khăn về mặt vốn bao gồm vốn tín dụng của ngân hàng và vốn trái phiếu, còn lại là tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Kế nữa là Đề án 338 xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 để các địa phương có cơ sở lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội vững chắc hơn. Tiếp theo là Nghị định 10 cho phép cấp sổ hồng nhằm tháo gỡ cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Cũng trong thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần cắt giảm lãi suất. Rõ ràng Việt Nam là nước đầu tiên đi trước 1 bước trong câu chuyện cắt giảm lãi suất so với các nước cho dù lạm phát vẫn đâu đó ở mức 5%. Theo đó động lực để nhà điều hành quyết định chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ là vì kinh tế quý 1 xấu và Việt Nam vẫn còn dư địa để giảm lãi suất.”

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc giảm lãi suất giúp các lĩnh vực kinh doanh khác được hưởng lợi nhiều hơn ngành bất động sản. Thực tế hiện nay hệ thống ngân hàng đang tìm kiếm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu, nông thủy hải sản để cho vay bởi vì những doanh nghiệp này ít rủi ro hơn.

Bên cạnh đó, chính sách giãn hoãn nợ là cho toàn thị trường không phải chỉ cho lĩnh vực bất động sản. Trong vấn đề giãn hoãn nợ còn đánh giá khả năng phục hồi và trả nợ của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ còn sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn như tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm thuế. Cụ thể tổng ngân sách Bộ Tài Chính đang đề xuất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là 185 nghìn tỷ - đây là giá trị danh nghĩa, còn giá trị thực mà ngân sách phải hy sinh còn bao gồm cả thuế VAT giảm 2%, ước tính khoảng 61 nghìn tỷ đồng, tức là ngân sách năm nay tiếp tục hy sinh 61 nghìn tỷ liên quan đến chính sách tài khóa giãn hoãn thuế và phí. Điều này cho thấy rõ ràng toàn bộ nền kinh tế đều được hưởng, không riêng gì lĩnh vực tài chính và bất động sản.

Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rõ cần phải tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm và sức cầu tín dụng còn yếu.

Cuối cùng là đầu tư công sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực không riêng gì bất động sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả