Trung Quốc tăng mua mạnh sầu riêng Việt Nam, kỳ vọng Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hưởng lợi lớn
Trong bối cảnh sầu riêng Thái Lan đối mặt nguy cơ mất mùa, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG) kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp.
Trung Quốc tăng mua hơn 91% sầu riêng từ Việt Nam
Dữ liệu vừa được Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 202.500 tấn quả sầu riêng tươi với tổng kim ngạch đạt 1,09 tỷ USD, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, cơ cấu nguồn hàng đã có sự thay đổi mạnh giữa Thái Lan và Việt Nam - hai quốc gia cung ứng sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc. Cụ thể, nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 55% so với cùng kỳ, còn 121.400 tấn. Theo đó, thị phần của sầu riêng Thái Lan chỉ còn 60% trong tổng lượng được nhập khẩu vào Trung Quốc, tương ứng giảm 26,7 điểm phần trăm.
Ngược lại, Trung Quốc nhập 79.300 tấn sầu riêng từ Việt Nam với kim ngạch ước đạt 370 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, thị phần của sầu riêng Việt Nam chiếm 39,2% tổng lượng được nhập khẩu vào Trung Quốc, tăng tới gần 26 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, lượng sầu riêng được Trung Quốc nhập khẩu từ Philippines trong 4 tháng đầu năm nay cũng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ nhưng tổng kim ngạch chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Thái Lan, Việt Nam, và Philippines hiện là 3 quốc gia duy nhất có ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Giá sầu riêng tươi xuất khẩu của Việt Nam trung bình đạt 4.662 USD/tấn - mức cạnh tranh nhất trong số các nước xuất khẩu sang Trung Quốc. Mức giá sầu riêng tươi nhập khẩu vào Trung Quốc hiện đạt trung bình 5.395 USD/tấn.
Trong khi đó, giá sầu riêng tươi xuất khẩu của Thái Lan đạt trung bình hơn 5.900 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là mức giá cao nhất trên thị trường Trung Quốc.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, sầu riêng Việt Nam đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường Trung Quốc nhờ lợi thế về giá và nguồn cung dồi dào, quanh năm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển sầu riêng Việt Nam đang thấp nhất và thời gian vận chuyển nhanh nhất khu vực.
Kể từ khi nổi lên thành xu hướng tiêu dùng từ giữa năm 2022, nhu cầu về sầu riêng của Trung Quốc liên tục tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2023, lượng sầu riêng tươi được nước này nhập khẩu đã vượt mức 6,7 tỷ USD, tăng gấp gần 7 lần con số của năm 2017.
Hiện người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ xem sầu riêng là một loại trái cây thông thường mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có của người tặng.
Kỳ vọng Hoàng Anh Gia Lai hưởng lợi trực tiếp
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết trồng sầu riêng đem lại tỷ suất lợi nhuận lên đến 400%.
Một số tổ chức tài chính hiện kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) hưởng lợi trực tiếp từ sự bùng nổ nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc. Sầu riêng cũng là một trong ba trụ cột kinh doanh cốt lõi hiện nay, bên cạnh mảng chuối và chăn nuôi heo, của Hoàng Anh Gia Lai.
Tính đến cuối năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đang có 1.500 ha sầu riêng ở Việt Nam và Lào. Qua đó, trở thành một trong những doanh nghiệp trực tiếp sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong năm nay, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ mở rộng diện tích sầu riêng thêm 500 ha.
Hoàng Anh Gia Lai hiện đang trồng 2 giống sầu riêng có chất lượng và giá cao nhất là sầu riêng Monthong (Thái Lan) và Musaking (Malaysia).
Đáng chú ý, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sầu riêng trong nước thu hoạch vào tháng 7 còn sầu riêng của tập đoàn trồng ở Gia Lai với độ cao 600 m sẽ thu hoạch vào tháng 8 và 9, ở Lào độ cao 900 m sẽ thu hoạch vào tháng 10 tháng 11, giúp đáp ứng nhu cầu sầu riêng nghịch vụ với mức giá bán cao hơn thông thường vì “một mình một chợ”.
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cũng tiết lộ, tổng giá thành sầu riêng của công ty hiện chỉ khoảng 15.000 đồng/kg và bán ra khoảng 77.000 đồng/kg, tương đương “1 đồng vốn 5 đồng lời”. Theo kế hoạch, Hoàng Anh Gia Lai sẽ thu hoạch khoảng 300 - 400 ha sầu riêng.
Trước lo ngại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc tự chủ sản xuất sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin cho biết dư địa thị trường còn rất lớn.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
“Trung Quốc không trồng được sầu riêng vì lạnh. Còn tại Việt Nam, từ đèo Hải Vân trở ra là không trồng được. Việt Nam chỉ có miền Tây, Tây Nguyên, Trung Bộ có khí hậu thích hợp với cây sầu riêng. Nên Trung Quốc nói trồng được sầu riêng là nói vậy thôi. Chưa kể, nếu họ trồng được và trồng từ bây giờ, thì Hoàng Anh Gia Lai đã trồng 4-5 năm rồi. Chúng ta đã đi trước 5 năm.
Về tiêu thụ, phải nhìn nhận rõ là trước đây khoảng 10 năm, Trung Quốc không ăn sầu riêng, Việt Nam cũng thế. Cho đến nay, dù Trung Quốc ăn nhiều nhưng chỉ 50% dân số ăn thôi. Và sầu riêng bên Trung Quốc là loại trái cây rất đắt đỏ, không phải ai cũng ăn được”, ông Đoàn Nguyên Đức phân tích.
Đồng thời, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai dẫn chứng vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc hồi cuối năm 2022 đã thất bại và nước này vẫn đang tăng cường nhập khẩu sầu riêng. Trong khi đó, hiện tượng El Nino gây ra khô hạn kéo dài tại Thái Lan, đang khiến các vườn sầu riêng ở nước này đứng trước nguy cơ mất mùa diện rộng trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận