Trung An (TAR) dự kiến thu hàng trăm tỷ đồng từ chuyển nhượng bất động sản
Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp công nghệ cao (TAR - sàn HNX) vừa có nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng bất động sản tại TP. Cần Thơ. Giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 300 tỷ đồng.
Cụ thể, HĐQT TAR thông qua chủ trương chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng lô đất gần 11.000 m2 tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Được biết, lô đất thuộc sở hữu TAR có vị trí đắc địa, nằm gần Vinpearl Cần Thơ, sát ngay con đường mới mở dọc ven bờ sông Hậu, nối dài từ bến Ninh Kiều, dự kiến hoàn thành quý II/2022.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021, TAR có ghi nhận giá trị bất động sản cuối kỳ là 94 tỷ đồng (không thuyết minh rõ giá trị ghi sổ từng bất động sản).
Như vậy, nếu như hoàn tất thương vụ chuyển nhượng dự án trên theo đúng kế hoạch, TAR sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến ít nhất khoảng 200 tỷ đồng.
Theo tính toán, nếu kịp hoàn thành trong quý IV và tính cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, lợi nhuận năm nay của TAR dự kiến đạt tối thiểu 300 tỷ đồng, tương đương EPS dự phóng khoảng hơn 6.500 đồng/cổ phiếu.
Được biết, TAR đang sở hữu 3 lô đất tại Cần Thơ, bao gồm lô đất hơn 10.900 m2 tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều; lô đất hơn 2.510 m2 tại KV Quy Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt (đất thuê 50 năm trả tiền 1 lần, thời hạn sử dụng đến năm 2062) và lô đất hơn 12.640 m2 tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (đất thuê 50 năm trả tiền 1 lần, thời hạn sử dụng đến năm 2064). Nếu định giá lại giá trị tài sản của doanh nghiệp thì khả năng giá trị tài sản của TAR sẽ rất lớn so với ghi nhận hiện tại.
Mới đây, TAR vừa trúng gói thầu cung cấp 25.413 tấn gạo trong chương trình đàm phán mua gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định 1415/ QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Với mức giá trúng thầu là 9.848 đồng/kg, tổng trị giá của hợp đồng này lên tới hơn 250 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh chính của TAR là gia công chế biến, kinh doanh và xuất khẩu gạo. Lãnh đạo TAR cho biết, hiện Công ty có vùng nguyên liệu 800 ha của riêng doanh nghiệp ở Kiên Giang, đã được doanh nghiệp thải độc đất từ 5 năm trước và đang trồng một phần lúa hữu cơ, tiến tới hoàn toàn không dùng phân vô cơ, chỉ dùng phân vi sinh. Đây là dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm mô hình kiểu mẫu để triển khai toàn bộ khu tứ giác Long Xuyên (470.000 ha). Hiện mô hình của Trung An đang được xem là mô hình kiểu mẫu, là giải pháp tối ưu cho vùng nguyên liệu này.
Đây được xem là lợi thế của TAR trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, đặc biệt với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, EU đã đồng ý mỗi năm Việt Nam được xuất khẩu 80.000 tấn gạo với thuế suất 0%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận