24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Dương Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Triển vọng tăng trưởng ngành chứng khoán đã phản ánh vào giá cổ phiếu”

SSI Research đánh giá 2021 sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc đối với ngành chứng khoán nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ và kinh tế phục hồi.

NĂM 2020 THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI

Trái ngược với tất cả các dự báo ban đầu, và bất chấp một năm thiệt hại nặng nề do Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đã tăng trưởng ngoạn mục. Tổng giá trị giao dịch lên đến 80,3 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ, trong khi VN-Index tăng 14,9% so với đầu năm.

Giá trị giao dịch trung bình ngày trong năm 2020 tăng 52,3% lên 7.400 tỷ đồng sau khi giao dịch ảm đạm trong năm trước. Lãi suất huy động dần giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm, khiến thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Vốn hóa thị trường đạt 231,6 tỷ USD, tương đương 67,3% GDP.

“Triển vọng tăng trưởng ngành chứng khoán đã phản ánh vào giá cổ phiếu”

Sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước năm 2020 đã khởi đầu cho một làn sóng lớn chưa từng có nhà đầu tư trong nước lần đầu tham gia vào thị trường.

Số lượng tài khoản giao dịch mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng lên mức cao kỷ lục trong năm, đạt 392.527 tài khoản, tăng 109% so với cùng kỳ. Nhà đầu tư trong nước (chủ yếu là cá nhân) đã chiếm phần lớn thị trường, với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng từ 85,9% năm 2019 lên 88,7% năm 2020.

Thị phần môi giới chứng khoán chuyển dịch nhiều hơn sang các công ty tập trung vào mảng môi giới bán lẻ như VPS, VND, MBS, BSC, MAS, ... Ngược lại, các công ty có thế mạnh về môi giới chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài như SSI, HCM, VCI,... đang mất dần thị phần do khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khiến tỷ trọng giao dịch của NĐTNN giảm xuống chỉ còn 11,3% tổng thị trường, so với con số 15,7% trong năm 2018 và 14,1% vào năm 2019.

“Triển vọng tăng trưởng ngành chứng khoán đã phản ánh vào giá cổ phiếu”

Trong 9 tháng đầu năm 2020, cho vay margin đã tăng 11,9% so với đầu năm lên 61.700 tỷ đồng, tương đương 1,35% tổng vốn hóa thị trường. Các CTCK nước ngoài đang chiếm thị phần nhiều hơn, mở rộng cho vay margin tăng 22,7% trong khi các CTCK trong nước tăng 7,4% so với đầu năm.

TĂNG TRƯỞNG MẠNH NHƯ NĂM 2020 SẼ LÀ MỘT THÁCH THỨC

SSI Research đánh giá 2021 sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc đối với ngành chứng khoán nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ và kinh tế phục hồi.

Theo kịch bản cơ sở, SSI Research kỳ vọng rằng các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ dần được khởi động lại từ quý 2/2021 với lượng khách quốc tế tăng theo. Tiêu dùng trong nước và đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ cải thiện vào năm 2021.

SSI Research ước tính NHNN sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng thận trọng, với lãi suất thị trường sẽ duy trì gần mức đáy cho đến giữa năm, trong khi đồng USD giảm giá so với VND. Đồng thời cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng từ 13-14% so với cùng kỳ, cao hơn mức hơn 12% được công bố vào năm 2020.

Thanh khoản thị trường năm 2021 sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp trong nửa đầu năm cùng với kinh tế phục hồi trên diện rộng trong nửa sau của năm. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ quay trở lại, nhờ triển vọng đồng VND tăng giá.

SSI Research ước tính giá trị giao dịch sẽ duy trì ở mức nửa cuối tháng 12/2020 với giá trị giao dịch trung bình ngày là 16.400 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021. Tổng giá trị giao dịch cả năm 2021 ước tính tăng 47,3% so với cùng kỳ với mức trung bình ngày xấp xỉ 10.900 tỷ đồng. Các CTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh thu nhập phí môi giới CK và thu nhập cho vay margin.

“Triển vọng tăng trưởng ngành chứng khoán đã phản ánh vào giá cổ phiếu”

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin được SSI Research dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng.

Các CTCK đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng. Bên cạnh cho vay margin truyền thống, các CTCK còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn nhiều.

Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng đầu tư ước tính tăng trưởng do triển vọng lợi nhuận chung các doanh nghiêp cải thiện trong các năm 2020 và 2021. Các hoạt động IPO và M&A sẽ tiếp tục trở lại, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021.

Ngược lại, khối lượng phát hành trái phiếu ước tính giảm do các hạn chế từ Nghị định 81/2021 về chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, một số ít CTCK như TCBS, VPS, MBS, VND,... có thể tiếp tục thu phí từ việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn dài đã phát hành trong những năm trước.

Thêm vào đó, SSI Research cũng cho rằng thu nhập tự doanh của các CTCK sẽ duy trì ở mức tích cực. Thị trường có nhiều cơ hội để các CTCK tăng thu nhập tự doanh vào năm 2021 tuy nhiên việc duy trì mức tăng trưởng mạnh như năm 2020 sẽ là một thách thức.

CỔ PHIẾU “CHẠY” TRƯỚC

Theo kịch bản cơ sở, SSI Research đặt mục tiêu VN-Index tăng khoảng 12,3% vào năm 2021 lên mức P/E là 18 lần so với 16 lần vào cuối năm 2020 với giả định lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết 2021 tăng mạnh 23% so với cùng kỳ trên toàn thị trường. Giá cổ phiếu có thể được hỗ trợ thêm do các chỉ số MSCI tăng tỷ trọng của Việt Nam.

SSI Research đánh giá lạc quan về triển vọng ROE của các CTCK do môi trường lãi suất thấp, tỷ lệ thâm nhập thị trường ngày càng tăng và sự phát triển của thị trường nợ trong nước. Lợi nhuận ngành chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cho năm 2021, tuy nhiên triển vọng này dường như đã phản ánh vào giá.

Thực tế, cổ phiếu các CTCK niêm yết đã có một năm khởi sắc với tăng trưởng 107,7% so với cùng kỳ, vượt trội so với thị trường. Từ đáy Covid hồi cuối tháng 3/2020, ngành này thậm chí đã tăng trở lại 219%, ấn tượng hơn nhiều so với mức phục hồi 67% của VN-Index.

Hầu hết cổ phiếu CTCK đều đã tăng giá mạnh thậm chí tăng bằng lần có thể kể đến như SSI (+276%), VCI (+363%), VND (+181%), HCM (+218%), SHS (+466%), AGR (+436%), BSI (+109%), FTS (+114%), MBS (+192%)... trong đó không ít cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử hồi tháng 4/2018.

“Triển vọng tăng trưởng ngành chứng khoán đã phản ánh vào giá cổ phiếu”
Diễn biến một số cổ phiếu CTCK 3 năm trở lại đây

Mặt khác, SSI Research cũng lưu ý rủi ro đối với chứng khoán trong năm tới liên quan đến tình hình kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, bất kỳ vấn đề tiêu cực nào liên quan đến vắc xin hoặc biến thể của vi rút đều có thể gây trở ngại cho việc phục hồi.

Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngành chứng khoán bao gồm cho vay margin và môi giới chứng khoán có thể giảm do áp lực cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm cũng có thể dẫn đến thanh khoản thị trường kém hơn và thu nhập của các CTCK cũng giảm theo đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả