menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tiến Thành

‘Trị’ chênh lệch giá vàng

Kể từ cuối năm ngoái tới gần nửa đầu năm nay, giá vàng tại Việt Nam đã liên tục thiết lập các mức giá mới.

Giải quyết chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt hay đấu thầu vàng.

Các yếu tố kéo giá vàng cao

Đơn cử, giá vàng SJC đã vượt đỉnh 85 triệu đồng/lượng vào tháng trước và hiện tiếp tục neo ở đỉnh mới 90 triệu đồng/lượng.

Có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá lớn qua mỗi lần tăng giá.

Đáng chú ý, có nhiều thời điểm, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.

‘Trị’ chênh lệch giá vàng
Diễn biến giá vàng trong nước và thế giới. Nguồn: SSI 2024

Theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy, lãi suất thấp như trong giai đoạn 2021 tới đầu 2022 hay cuối năm ngoái tới nay tạo ra môi trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ loại tài sản nào.

Bước sang năm nay, các yếu tố thuận lợi hơn xuất hiện như giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như năm 2021 – 2022.

“Do đó, có thể nói rằng có cả yếu tố thiên thời và địa lợi cho việc tạo sóng vàng”, ông Linh nhận định.

Về yếu tố nhân hòa – con người, ông Linh đánh giá, tâm lý đám đông rất dễ bị sóng thu hút và bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý “bầy đàn” như vậy. Bằng chứng là rất nhiều người đã kiên nhẫn xếp hàng ở các cửa hàng vàng.

“Có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, không gì có thể ngăn được sóng vàng nếu không có cách “trị” hữu hiệu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

‘Trị’ chênh lệch giá vàng
Người dân xếp hàng dài mua vàng. Ảnh: Hoàng Anh

GS.TS. Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế, cho biết, trong giai đoạn 2012 – 2022, giá vàng trong nước về cơ bản bám sát và tương quan với giá vàng thế giới.

Kể từ đó tới nay, hiện tượng chênh lệch cao giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới đã diễn ra.

Ông Đạt đánh giá, vấn đề này phản ánh rõ ràng mối quan hệ cung - cầu trên thị trường vàng cũng như tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư.

Theo đó, vàng luôn được coi là kênh trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều bất định nên giá vàng thế giới cũng đang trong xu hướng tăng nhanh, ảnh hưởng đến giá vàng trong nước.

Trong nước, vàng SJC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho một công ty sản xuất và từ năm 2012 đã không sản xuất nữa. NHNN cũng đấu thầu vàng miếng năm 2013 nhưng cũng dừng việc đấu thầu từ đó đến nay.

Do vậy, nguồn cung vàng SJC là cố định, SJC lại mang tính độc quyền nên nhu cầu càng tăng cao hơn, dẫn đến giá vàng SJC kéo dài khoảng cách với giá vàng thế giới.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ, nhận định, không có nguồn cung phần nào đã dẫn tới sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Đồng thời, khi các kênh đầu tư khó khăn hơn, lãi suất tiết kiệm thấp, người dân lựa chọn đầu tư vàng, đẩy nhu cầu tăng cao.

‘Trị’ chênh lệch bằng cách nào?

Tại hội thảo mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ông Nghĩa đánh giá, đấu thầu vàng không phải là giải pháp toàn vẹn để đạt mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng.

Biện pháp này có hiệu quả nhưng chỉ trong ngắn hạn. Về dài hạn, mất cân bằng trong cung – cầu sẽ vẫn diễn ra, dẫn tới chênh lệch giá vàng vẫn sẽ diễn ra ở mức cao.

Thực tế cũng cho thấy, ngay sau khi NHNN thực hiện đấu thầu, giá vàng trong nước tăng trở lại, cho thấy đấu thầu đã không đạt được mục tiêu.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, phân tích, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống.

Do vậy, NHNN cần nghiên cứu lấy giá vàng thế giới cộng với các loại thuế, chi phí để ra giá tham chiếu.

Nhóm nghiên cứu của VEPR trong báo cáo mới nhất từ dữ liệu lịch sử đánh giá, giá vàng trong nước và chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu.

Do vậy, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.

Nhóm này khuyến nghị, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá.

Đơn cử, thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì.

Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

34.40

-0.05 (-0.15%)

Biểu đồ mã SSI

XAU/USD

Gold Spot US Dollar

Xem PTKT

2,356.95 $

+0.81 (+0.03%)

Biểu đồ mã XAU/USD
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả