Traphaco báo lãi quý 3/2021 đạt 65 tỷ đồng, tăng 34%
CTCP Traphaco (HOSE: TRA) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2021 đạt 568 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Đây là động lực cho kết quả lãi ròng tăng 34% của doanh nghiệp dược phẩm, đạt 65 tỷ đồng.
TRA cho biết trong quý vừa qua, Công ty đã có chính sách bán hàng hợp lý, hệ thống phân phối ổn định giúp doanh thu thuần tăng 24%, đạt 568 tỷ đồng. Lãi gộp thu được 296 tỷ đồng, tăng 19%. Nhờ đó, TRA báo lãi ròng quý 3/2021 gần 65 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 của TRA. Đvt: Tỷ đồng
Cho giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 1,589 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ và thực hiện 76% kế hoạch năm. Doanh thu tăng cũng kéo theo các khoản chi phí đồng loạt gia tăng, như chi phí tài chính (+96%), chi phí bán hàng (+20%), chi phí quản lý (+3%).
Sau cùng, lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt ghi nhận 196 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ và thực hiện 81% chỉ tiêu năm 2021.
Đến cuối quý 3/2021, TRA đang có tổng tài sản 1,812 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Khoản phải thu và đầu tư tài chính ngắn hạn lần tăng 61% và 104%, lên mức 300 tỷ đồng và 219 tỷ đồng.
Doanh thu sản phẩm cốt lõi được hỗ trợ bởi thị trường cạnh tranh giảm
Theo báo cáo cập nhật tháng 8/2021 của SSI Research, doanh thu sản phẩm cốt lõi của TRA được hỗ trợ bởi thị trường cạnh tranh giảm, đặc biệt khi Chính phủ thắt chặt việc bán thực phẩm chức năng thông qua Thông tư 18/2019/TT-BYT.
Thông tư quy định tất cả các thực phẩm chức năng (TPCN) đều phải có chứng nhận GMP hoặc GACP từ 2020. Do đó, số lượng nhà sản xuất TPCN đạt tiêu chuẩn giảm trong khi sản phẩm bán lẻ tại nhà thuốc được cơ quan y tế kiểm tra thường xuyên hơn. Điều này giúp TRA có lợi thế cạnh tranh nhờ các nhà máy WHO-GACP.
Các chuyên gia cũng nhận thấy những nhà sản xuất khác hưởng lợi từ xu hướng này là DHG, DP3, CDP với biên lợi nhuận gộp trung bình mảng TPCN tăng 1%-3% (trong 6 tháng đầu năm 2021) với doanh thu tăng sau khi Thông tư 18 có hiệu lực. Đối với kênh bệnh viện, Chính phủ áp dụng Thông tư 15/2019/TT-BYT, quy định mới về đấu thầu thuốc đông dược, trong đó chia làm 3 nhóm đấu thầu: WHO-GACP (nhóm đấu thầu cao nhất), WHO-GMP & non-GMP (nhóm đầu thầu thấp nhất) thay vì hai nhóm (WHO-GMP & non-GMP) như trước đây, và số lượng công ty đấu thầu cạnh tranh với TRA nằm trong nhóm WHO-GACP giảm từ 34 xuống dưới 11. Theo đó, TRA dễ đấu thầu thành công các hợp đồng lớn hơn.
SSI Research cũng lưu ý mặc dù các quy định về ngành dược hiện tại khá thuận lợi cho TRA, nhưng môi trường pháp lý cho các công ty dược vẫn còn thiếu ổn định và khó dự đoán. Điển hình việc sửa đổi và thi hành từ 2-5 Thông tư mới mỗi năm đối với ngành dược, dẫn đến thay đổi ngoài dự đoán về quy định chất lượng sản xuất thuốc, và thắt chặt việc bán thuốc và thực phẩm chức năng. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược và lợi thế cạnh tranh hiện tại của TRA.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường