menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền An

Trải qua thời ảm đạm, ông lớn ngành bia kỳ vọng gì nửa cuối năm?

Sabeco lý giải sự đi xuống của kết quả kinh doanh là do cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bia quốc tế, kinh tế trong nước suy thoái do bất ổn kinh tế toàn cầu

Trong nửa cuối năm 2023, với kỳ vọng nhu cầu mua sắm tăng cao và kết nối giao thương trở lại thúc đẩy việc xuất khẩu, ngành bia sẽ cải thiện bức tranh kinh doanh.

Bức tranh 6 tháng ảm đạm của ngành bia

Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn của Đông Nam Á, thu hút sự tham gia của khá nhiều đơn vị, cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường có tính tập trung rất cao với đa số thị phần nằm trong tay 4 “ông lớn” là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg, khoảng 94%, tính đến năm 2021, theo MBS. Trong đó, Heineken và Sabeco có tổng thị phần là 78,3%, áp đảo 2 hãng còn lại.

Do chỉ có Sabeco và Habeco công bố thông tin, bức tranh ngành bia Việt Nam sẽ được nhìn nhận chủ yếu qua tình hình kinh doanh của 2 “ông lớn” này.

Quý II/2023, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) ghi nhận doanh thu 8.312 tỷ đồng, tuy có lớn hơn quý I/2023 nhưng giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp suy giảm 19%, cộng với việc chi mạnh tay cho quảng cáo và khuyến mãi, nên lãi sau thuế quý II/2023 chỉ còn 1.210 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả này khiến 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của Sabeco không thể tăng trưởng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% và 2.214 tỷ đồng, giảm 27%.

Sabeco lý giải sự đi xuống của kết quả kinh doanh là do cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bia quốc tế, kinh tế trong nước suy thoái do bất ổn kinh tế toàn cầu và việc tiếp tục tập trung Nghị định 100. Cùng với đó là ảnh hưởng của chi phí đầu vào, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn.

Cùng chung “cảnh ngộ” với Sabeco, kết quả kinh doanh quý II/2023 của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) cũng rơi vào tình trạng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần đạt 2.087 tỷ đồng, giảm 2%; lợi nhuận sau thuế đạt 188,3 tỷ đồng, giảm 8%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Habeco có doanh thu thuần đạt 3.333 tỷ đồng, giảm 5,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, giảm 22,6%.

Hai đơn vị thành viên của Habeco cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2023 với con số thua lỗ và lợi nhuận đi lùi. Cụ thể, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình (UPCoM: BQB) lỗ 904 triệu đồng còn Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) chỉ có lãi 3,6 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, BQB lỗ 4 tỷ đồng còn HAD chỉ lãi 3,4 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Lý giải về hoạt động kinh doanh sụt giảm, cả BQB và HAD cho biết nguyên nhân là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm so với cùng kỳ không tăng.

Không nằm ngoài vòng xoáy đó, một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung (mã SBM) cũng cho biết sản lượng quý II/2023 giảm tới 6,19 triệu lít, điều này khiến doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 367 tỷ đồng, giảm 8%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 56,4 tỷ đồng, giảm tới 22% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, SBM có doanh thu thuần đạt 621 tỷ đồng, giảm 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 71,5 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia trong nước đã phản ánh hàng loạt khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, như: giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng cao; nhu cầu tiêu thụ yếu do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu không thiết yếu; sức cầu yếu khiến các nhà sản xuất phải tăng cường các chính sách quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu để thúc đẩy bán hàng, bảo vệ thị phần. Đó là chưa kể sự đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh bia nhập khẩu, bia ngoại đến từ những tập đoàn đa quốc gia. Các công ty nhập khẩu này nhận được hậu thuẫn lớn về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động duy trì và phát triển thương hiệu từ tập đoàn nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia đã có một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) với chế tài rất nặng áp dụng khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

“Tất cả đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20% - 30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Thêm vào đó, xung đột Nga - Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nguyên liệu tăng phi mã”, Chủ tịch VBA cho hay.

Ngoài các nguyên nhân nói trên, các doanh nghiệp bia trong nước còn “than thở” dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi (trong đó thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia) nếu được triển khai sẽ khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên, về cơ bản, có thể nhìn thấy quý II/2023 của cả SAB và BHN đã là một sự khởi sắc so với 1 – 2 quý liền kề trước đó, về doanh thu và lợi nhuận, điều này hàm ý cho một sự đi lên của doanh nghiệp bia trong năm 2023 này.

Theo đánh giá của Sabeco, năm 2023 vẫn là một cơ hội đối với ngành bia Việt Nam nhờ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng lên, phân khúc “bia không cồn” và thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn. Cùng với đó, xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.

Nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Từ nay đến cuối năm, việc chúng ta khôi phục mở cửa du lịch trở lại, kết nối lại các hoạt động giao thương, thì ngoài việc có lợi cho tiêu thụ bia trong nước, mà còn đi kèm theo đó là sản lượng bia xuất khẩu ra nước ngoài cũng sẽ tăng lên đáng kể (xuất khẩu rượu, bia mỗi năm tăng khoảng 7%- 8%). Bên cạnh đó, trước áp lực lạm phát và cắt giảm chi tiêu trong năm nay, nếu có cầu, khách hàng sẽ có xu hướng hướng đến phân khúc bia bình dân hơn, đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp bia nội trong nước hồi phục đà phát triển trước các đối thủ đến từ bên ngoài”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại