Trái chiều lợi nhuận ngành điện năm 2021
Trong khi nhiều doanh nghiệp thuỷ điện tăng lãi so với 2020 thì nhiệt điện (than, khí) lại giảm và đi ngang.
Năm 2021, nhu cầu tiêu thụ điện tăng thấp (khoảng 4%) do ảnh hưởng của Covid-19, và công suất năng lượng tái tạo vận hành lớn tới 27% tổng công suất nguồn điện, tác động tới việc huy động nguồn điện than, khí, thuỷ điện...
Ở lĩnh vực thuỷ điện, Công ty Thuỷ điện miền Nam năm ngoái đã ghi nhận doanh thu thuần 658 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2020.
Sản lượng tăng 49% và giá bán điện tăng gần 3%, các chi phí tăng không đáng kể... là những yếu tố giúp Thuỷ điện miền Nam có bức tranh kinh doanh khả quan trong năm ngoái. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp này vượt 52% chỉ tiêu lãi trước thuế.
Thủy điện miền Nam hiện có 3 nhà máy ở tỉnh Lâm Đồng, gồm Đa M’i (75 MW), Đa Siat (13,5 MW) và Đa Dâng 2 (34 MW).
Tương tự, một doanh nghiệp thuỷ điện khác là Sử Pán 2 cũng công bố lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng trong quý IV năm ngoái, trái ngược với khoản lỗ hơn 20 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Trong quý IV/2021, Thuỷ điện Sử Pán 2 ghi nhận doanh thu tăng gần 12%, đạt hơn 50 tỷ đồng, trong khi chi phí vốn lại giảm 11,6%. Do không phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi vào chi phí doanh nghiệp, nên giảm được gần 15 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nhờ chi phí vốn, tài chính và quản lý doanh nghiệp giảm, trong khi giá bán điện cao, Thuỷ điện Sử Pán 2 cán đích năm 2021 với số lãi sau thuế hơn 36 tỷ đồng.
Còn với Thuỷ điện Hủa Na, công ty này lãi sau thuế hơn 131 tỷ đồng, gấp gần 4 lần 2020, doanh thu đạt 691 tỷ đồng (tương đương tăng trên 14% so với 2020). Theo giải trình từ phía Thủy điện Hủa Na, trong năm 2021 công ty đã chào giá tốt, dẫn đến dù doanh thu tăng không quá nhiều, lợi nhuận lại tăng mạnh so với năm 2020.
2021 cũng là một năm ghi nhận bức tranh kinh doanh khả quan của Thuỷ điện A Vương, với doanh thu tăng gần 30% so với 2020, đạt hơn 682 tỷ đồng. Nhờ giảm chi phí vốn, quản lý doanh nghiệp, công ty này đạt lãi sau thuế hơn 342 tỷ đồng, tăng gần 84% so với số lãi 186 tỷ đồng năm 2020.
Nhưng nhóm điện than, điện khí lại không khả quan như thuỷ điện. Các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn có lãi trong năm 2021 và vượt kế hoạch đưa ra, nhưng đều giảm so với năm 2020.
Chẳng hạn, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận những chỉ số kinh doanh giảm so với cùng kỳ 2020. Theo kết quả kinh doanh quý IV, doanh nghiệp này giảm doanh thu 10% do giá điện, sản lượng hợp đồng giảm so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, các chỉ số tăng trưởng kinh doanh của Nhiệt điện Hải Phòng không bằng năm 2020, với doanh thu là 8.979 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 443 tỷ đồng.
Hiện Tổng công ty Phát điện 2 là cổ đông chi phối, nắm 51% cổ phần của Nhiệt điện Hải Phòng. Ba cổ đông còn lại của doanh nghiệp này, gồm Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm 9%, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại nắm 26% và Tổng công ty Điện lực TKV nắm 7,2%. Nhiệt điện Hải Phòng hiện đang vận hành 2 nhà máy nhiệt điện chạy than là Nhiệt điện Hải Phòng 1 và Nhiệt điện Hải Phòng 2.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do nhu cầu điện tăng thấp vì ảnh hưởng của Covid-19, nên việc huy động các nhà máy nhiệt điện khí giảm, với sản lượng khí tiêu thụ năm 2021 là 4,67 tỷ m3, bằng gần 65,6% so với khả năng cấp.
Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh 2021 của một số doanh nghiệp điện khí. Đơn cử Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (PV Power NT2) lãi sau thuế 515 tỷ đồng, giảm 18% so với kết quả 2020 nhưng so với kế hoạch năm thì vẫn vượt 11%. Công ty cũng hoàn thành chi trả 20% cổ tức năm 2020 với giá trị 576 tỷ đồng và đảm bảo tỷ lệ chia cổ tức 15% cho năm 2021.
Trong báo cáo triển vọng ngành điện năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năm 2022 tăng 9% so với cùng kỳ với kịch bản GDP tăng 6,5%. Tuy nhiên, SSI cho rằng, sẽ có sự khác biệt về tăng trưởng giữa nhóm công ty điện than và khí. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận nhóm điện than sẽ tốt hơn còn điện khí đi ngang trong 2022 do giá khí bán của các công ty này có thể tăng 4% trong năm nay.
Hiện sản lượng than nhập khẩu chiếm khoảng 20-25% than cung cấp cho các nhà máy điện than hàng năm. Australia và Indonesia là hai thị trường nhập khẩu than chính của Việt Nam, với tỷ trọng hơn 80% sản lượng than nhập khẩu. Giá than bình quân tại Australia và Indonesia đã tăng tương ứng 51% và 3% từ đầu năm 2021 đến nay.
Do đó, giá than nhiệt trong nước có khả năng sẽ tăng trong năm 2022 khi huy động sản lượng điện than tăng. Nếu giá than tăng 20%, theo phân tích của SSI, giá bán của nhóm công ty điện than vẫn thấp hơn khoảng 30% so với giá bán của khí. Nên khi tiêu thụ điện hồi phục trong năm nay, sản lượng của nhóm công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn nhóm điện khí.
"Giá khí ở mức cao làm cho nhóm công ty điện khí kém cạnh tranh hơn nhóm điện than khi EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn điện có chi phí thấp", báo cáo SSI nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận