TPBank muốn chia cổ tức 35% để tăng vốn
Ngày 19/10, Ngân hàng TMCP TPBank (HOSE: TPB) thông báo lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2021 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn với tỷ lệ 35%.
TPBank vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc tăng vốn đợt 2 năm 2021 là nhằm mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và phát huy tối đa các nguồn lực trong lộ trình chiến lược của TPBank. Hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời hạn gửi phiếu ý kiến là trước ngày 29/10/2021.
Mục đích tăng vốn của TPBank thứ nhất là nhằm đáp ứng yêu cùa Ngân hàng Nhà nước về nâng cao năng lực tài chính, tạo nền tảng để phát triển mạng lưới chi nhánh, mở rộng thị phần và quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng.
Thứ hai, đảm bảo tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu bảo đàm an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thực hiện các chuẩn mực tại hiệp ước Basel (Basel II và Basel III) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tăng trưởng nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Thứ ba, tăng vốn để đầu tư cơ sở vật chất và thứ tư là góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh được phép khác để thúc đẩy kết quả kinh doanh…
Hiện TPBank đang có vốn điều lệ 11.716 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2021, ngân hàng còn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ là gần 5.500 tỷ đồng và sẽ sử dụng nguồn này để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35%. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 410 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 4.100 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất tăng vốn đợt 2 năm 2021 này, vốn điều lệ TPBank sẽ tăng lên 1.581,7 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 35% sẽ diễn ra trong năm 2011, thời gian cụ thể do HĐQT quyết định trên cơ sở chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
Kết thúc quý III/2021, hoạt động huy động vốn và cho vay của TPBank (HoSE: TPB) vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tốt, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp.
TPBank vừa trở thành ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành Basel III. Kết thúc 9 tháng đầu năm, ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế tăng 45% và hoàn thành hơn 75,76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%. Đây là mức tăng trưởng khả quan so với bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước bị giãn cách xã hội kéo dài.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp TPBank duy trì được đà tăng trong trong giai đoạn khó khăn vừa qua là sự cải thiện của nền tảng vốn. Trong quý III, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, tổng huy động của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng 24,73% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm.
Nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động tăng thêm đã giúp TPBank nâng cao hệ số an toàn vốn, từ đó cho phép ngân hàng nâng cao được sức chịu đựng trong những tình huống căng thẳng. Tính đến cuối quý III, hệ số an toàn vốn (CAR) của TPBank được ghi nhận là 13,43%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Song song với việc củng cố nền tảng vốn, các biện pháp kiểm soát rủi ro cũng được TPBank thực hiện nghiêm ngặt. Ngân hàng luôn đánh giá các khoản vay tiềm ẩn rủi ro để phân loại và trích lập dự phòng cao hơn so với tuổi nợ của khoản vay, đảm bảo luôn đủ tiềm lực tài chính để xóa nợ khi cần thiết. So với thời điểm này một năm trước, trích lập dự phòng của TPBank đã tăng xấp xỉ gấp đôi. Với sự cẩn trọng trên, tỷ lệ nợ xấu của TPBank được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ 1,02%. Mức nợ xấu này thậm chí còn thấp hơn khá nhiều so với tỷ 1,43% một năm trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận