TP. Hồ Chí Minh: Huy động vốn tại đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng trong 9 tháng
9 tháng năm 2024, tổng huy động vốn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng tích cực khi đạt trên 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn…
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng và tăng trưởng tín dụng.
Đến cuối tháng 9/2024, tổng huy động vốn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trên 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm và tăng 13,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) chiếm 90% so với tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết nguồn vốn huy động tăng trưởng tích cực, không chỉ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả tài sản nợ, mà còn tạo điều kiện để mở rộng và tăng trưởng tín dụng có hiệu quả.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, ông Lệnh cho rằng quy mô nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng tăng trưởng là những tín hiệu tích cực về luân chuyển vốn trong nền kinh tế.
Trong đó, yếu tố đầu tư công, tích lũy và tiêu dùng đã và đang diễn biến theo xu hướng tốt hơn. “Tất cả các bộ phận tiền gửi, nếu phân tích theo tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân; tiền gửi tiết kiệm dân cư và tổ chức tín dụng phát hành giấy tờ có giá, đều có tốc độ tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định.
Đồng thời, nguồn vốn huy động tăng trưởng tích cực sẽ tạo điều thuận lợi để các tổ chức tín dụng trên địa bàn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, ông Lệnh phân tích: “Khi tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng không chỉ thuận lợi hơn cho việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng mà còn tạo dư địa trong khai thác và sử dụng vốn mang lại hiệu quả cao nhất với lãi suất hợp lý và tốt nhất cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng”.
Theo quy định hiện hành, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đối với VND của các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn đang áp dụng ở mức tối đa 0,5%/năm, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 4,75%/năm, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên các tổ chức tín dụng được thỏa thuận lãi suất huy động theo cung cầu thị trường.
Trên thị trường tiền gửi hiện nay, nhóm các ngân hàng thương mại quy mô lớn áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên bình quân ở mức trên 5%/năm, nhóm các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ áp dụng lãi suất tiền gửi lãi suất trên 6%/năm.
Bên cạnh đó, cá biệt có ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất tiền gửi từ 7%/năm, nhưng phải có điều kiện gửi tiền số lượng lớn và kỳ hạn rất dài và cam kết trả lãi cuối kỳ.
Trên thị trường, thời gian qua cũng có một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhưng lại chủ yếu tăng ở một số kỳ hạn ngắn và một số ngân hàng quy mô nhỏ tạo ra các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài trả lãi suất trên dưới 7%/năm nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm để thu hút người gửi tiền vào ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường