Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản trên sàn giảm nhẹ
Tính đến cuối quý 3/2023, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản đã công bố BCTC còn gần 449 ngàn tỷ đồng, giảm gần 4% so với hồi đầu năm. Một số doanh nghiệp đã giảm trị giá hàng tồn, song một số vẫn gia tăng.
Dẫn số liệu báo cáo của 52/63 địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho bất động sản (BĐS) trong quý 3/2023 vào khoảng 16,940 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền). Trong đó, chung cư còn 3,196 căn, nhà ở riêng lẻ 6,554 căn, đất nền 7,190 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Hàng tồn kho giảm nhẹ
Theo thống kê từ VietstockFinance với 103 doanh nghiệp (trên HOSE, HNX và UPCoM) công bố BCTC quý 3/2023 thuộc nhóm BĐS bao gồm nhà ở và khu công nghiệp, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến 30/09/2023 là 448,625 tỷ đồng (tương đương hơn 18 tỷ USD), giảm 3.5% so với đầu năm và giảm 1.5% so với cuối quý liền trước. Trong đó, 42 doanh nghiệp giảm, 14 doanh nghiệp không đổi và 47 doanh nghiệp tăng tồn kho so với đầu năm.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp BĐS có xu hướng giảm dần
Đvt: Tỷ đồng
Ở nhóm giảm, Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) là cái tên đáng chú ý nhất khi giảm tới 82% hàng tồn kho so với đầu năm, còn 11 tỷ đồng. Thay đổi này do khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của NRC giảm mạnh, còn hơn 10 tỷ đồng; trong khi đầu năm hơn 60 tỷ đồng.
Tập đoàn Khải Hoàn Land (HOSE: KHG) giảm tới 55%; trong đó, giá trị hàng tồn kho là hàng hóa BĐS thuộc các dự án khu thương mại, biệt thự tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An; dự án hỗn hợp văn phòng thương mại và nhà ở tại phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hảo, Hưng Yên và dự án khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, nhà ở và căn hộ cao cấp tại phường Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An.
Sunshine Homes (UPCoM: SSH) có hơn 1 ngàn tỷ đồng tồn kho, giảm 44%. Trong đó, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang chiếm phần lớn với hơn 943 tỷ đồng, gồm các dự án như Sunshine City gần 283 tỷ đồng, Sunshine Garden hơn 105 tỷ đồng, Sunshine Capital Tây Thăng Long hơn 324 tỷ đồng và biệt thự tại khu dịch vụ và nhà ở thấp tầng Noble gần 127 tỷ đồng.
Xét về tỷ lệ tăng, Xây dựng Số 3 Hải Phòng (UPCoM: HC3) là doanh nghiệp tăng tồn kho nhiều nhất, ghi nhận hơn 1 tỷ đồng, gấp 5 lần đầu năm; phần lớn là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (HOSE: TIX) có tồn kho tăng 160%, lên hơn 4 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của ông lớn Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) tăng 38%, lên gần 17,153 tỷ đồng. Gần như toàn bộ đều từ các dự án BĐS đang xây dựng như khu dân cư Khang Phúc - khu dân cư Tân Tạo, hơn 5,932 tỷ đồng; khu dân cư Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông, gần 3,369 tỷ đồng; dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông, hơn 2,870 tỷ đồng.
Hàng tồn kho chiếm phần lớn tài sản
Thống kê cho thấy, 13 doanh nghiệp BĐS có hàng tồn kho chiếm trên 50% tổng tài sản, tính đến cuối quý 3, phần lớn là doanh nghiệp BĐS nhà ở.
Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) có tỷ lệ tồn kho chiếm tỷ trọng tài sản lớn nhất trong ngành, 75% trên tổng tài sản, tương đương hơn 1,241 tỷ đồng. Trong đó, khu chung cư lô 4-5 đường Trần Hưng Đạo, TP. Hạ Long, gần 28 tỷ đồng, là hàng hóa BĐS. Còn lại là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang ở dự án Dịch Vọng gần 389 tỷ đồng, khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 hơn 45 tỷ đồng, khu 23 ha Bãi Muối hơn 742 tỷ đồng…
Tiếp đến là Đầu tư và Xây dựng HUD4 (UPCoM: HU4) và Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) với tồn kho chiếm 74% tổng tài sản. Đứng cuối cùng trong top này là CTCP KOSY (HOSE: KOS) với tỷ lệ 52%.
Nếu xét theo tổng tài sản, VIC, VHM, NVL tiếp tục là những cái tên có hàng tồn kho đứng đầu ngành. Chỉ riêng 3 ông lớn này đã chiếm hơn 61% tổng tồn kho toàn ngành.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) là 625,387 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho 83,672 tỷ đồng, chiếm 13% tổng tài sản và giảm 15% so với đầu năm.
Vinhomes (HOSE: VHM) có 417,039 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 15%. Trong đó, 55,104 tỷ đồng là hàng tồn kho, chiếm 13% và giảm 14% so với đầu năm. Tồn kho của VHM chủ yếu từ tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, giá mua các công ty con được phân bổ như một phần chi phí mua dự án, chi phí xây dựng và phát triển khu đô thị sinh thái Dream City, khu đô thị Đại An, Grand Park, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City...
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) có quy mô tài sản đứng thứ 3 với giá trị 249,322 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Xét về giá trị, NVL là doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn nhất, ở mức 137,594 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, BĐS để bán đang xây dựng chiếm phần lớn với gần 127 ngàn tỷ đồng là các khoản chi phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án.
Ngoài ra, 10 doanh nghiệp BĐS có giá trị hàng tồn kho lớn nhất tại ngày 30/09/2023 đã chiếm tới hơn 84% tổng giá trị tồn kho toàn ngành. Đáng nói, tồn kho của NVL bằng tổng của VIC và VHM cộng lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận