24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 22/2: Thế giới ‘dậy sóng’ vì Nga, Ukraine doạ cắt quan hệ; Iran kêu gọi sớm dỡ cấm vận

Thế giới ‘dậy sóng’ vì Nga, Ukraine doạ cắt quan hệ; Iran kêu gọi dỡ cấm vận, Pakistan đề xuất thảo luận với Ấn Độ …là một số tin thế giới nổi bật ngà

Tin thế giới 22/2: Thế giới ‘dậy sóng’ vì Nga, Ukraine doạ cắt quan hệ; Iran kêu gọi sớm dỡ cấm vận
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/2 tuyên bố Kiev đang cân nhắc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow. (Nguồn: AFP)

Nga-Ukraine

Nga: Phương Tây sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt bất kể trong trường hợp nào

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/2 đã gạt bỏ mối đe dọa về các lệnh trừng phạt và nói rằng phương Tây sẽ áp đặt chúng bất kể diễn biến sự việc, đồng thời miêu tả phản ứng với việc Nga công nhận hai khu vực ly khai của Ukraine là có thể dự đoán được.

Ông Lavrov nêu rõ: “Các đồng nghiệp châu Âu, Mỹ và Anh của chúng tôi sẽ không dừng và sẽ không bình tĩnh cho tới khi họ cạn kiệt tất cả khả năng cho cái gọi là trừng phạt Nga. Họ sẵn sàng đe dọa chúng tôi với tất cả hình thức trừng phạt hoặc như chúng tôi hiện nói 'mẹ của tất cả các biện pháp trừng phạt'. Chúng tôi đã quen với nó. Chúng tôi biết rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt dù trong mọi trường hợp. Có hay không có lý do”.

Cùng ngày, Quốc hội Nga đang xem xét và thảo luận về dự thảo hợp tác với hai vùng mới được nước này công nhận độc lập một ngày trước đó, là Lugansk và Donetsk.

Thoả thuận hợp tác với Lugansk và Donetsk về tình hữu nghị, hợp tác và tương trợ lẫn nhau sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm và tự động gia hạn thêm 5 năm. Theo dự thảo thoả thuận, việc bảo vệ biên giới của Donetsk và Lugansk “sẽ được thực hiện bởi nỗ lực chung của các bên ký kết dựa trên lợi ích an ninh của chính họ, cũng như hoà bình và ổn định”. Theo đó, Lugansk và Donetsk sẽ cho phép Liên bang Nga quyền xây dựng và sử dụng các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng thuộc lực lượng vũ trang của hai vùng ly khai này trên lãnh thổ của họ

Công dân của hai vùng ly khai này có thể nhập quốc tịch Nga theo các quy định của luật pháp Nga và hai bên công nhận tính hợp pháp của các giấy tờ hành chính của nhau. Ngoài ra, Liên bang Nga cũng sẽ hỗ trợ Lugansk và Donetsk trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Tuy nhiên, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko phát biểu trước đó ít lâu cho hay Moscow vẫn chưa thảo luận về việc thành lập các căn cứ quân sự ở Đông Ukraine song hai hiệp ước dự thảo sẽ cho phép nước này làm việc đó và Nga sẽ sẵn sàng hành động nếu cần thiết.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết nước này lên kế hoạch tiếp tục xuất khẩu khí đốt tự nhiên mà không có bất cứ sự gián đoạn nào. Phát biểu tại hội nghị các nhà xuất khẩu khí đốt tại Doha (Qatar), ông nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tìm cách cân bằng trong các thị trường khí đốt toàn cầu”. (Reuters)

Ukraine cân nhắc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/2 tuyên bố Kiev đang cân nhắc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow nhằm đáp trả việc Nga công nhận hai khu vực ly khai tại Đông Ukraine.Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Tôi đã nhận được một đề nghị từ Bộ Ngoại giao xem xét vấn đề cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Ukraine với Liên bang Nga" và hiện đang "cân nhắc và thực hiện vấn đề này”.

Ngoài ra, ông Zelensky đã đề nghị ngay lập tức dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt của Nga tới Đức thông qua Biển Baltic. Theo nhà lãnh đạo này, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin phải bị trừng phạt bằng “các lệnh trừng phạt tức thì”, bao gồm “đình chỉ hoàn toàn Dòng chảy phương Bắc 2” vì Moscow hôm 21/2 đã công nhận hai khu vực ly khai của Ukraine.

Đồng thời, người đứng đầu Kiev còn cảnh báo sự công nhận của Moscow là tiền đề cho một cuộc tấn công quân sự sau đó. Ông nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng với quyết định này, Moscow đang tạo ra một cơ sở pháp lý cho cuộc xâm lược quân sự sau đó nhằm vào Ukraine, do đó vi phạm mọi khả năng nghĩa vụ quốc tế”.

Cùng ngày, phát biểu trong chuyến công du Washington, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết ông đang làm việc với những người bạn phương Tây của Kiev để “áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga”. (Reuters/AFP)

Các phái viên EU nhất trí trừng phạt LPR và DPR

Phái bộ Pháp tại Liên minh châu Âu (EU) thông báo, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) ngày 22/2, trưởng các phái bộ của EU (COREPER II) đạt được lập trường chung về quyết định của Nga công nhận nền độc lập của Luhansk và Donetsk tự xưng (LPR và DPR). Đây sẽ là những biện pháp mục tiêu nhắm vào các cá nhân và tổ chức mà khối này xem là “hữu quan” trong quyết định mới nhất của Moscow.

Viết trên Twitter, phái bộ Pháp nêu rõ: “Cuộc họp của các đại diện thường trực của COREPER II vừa kết thúc, đạt được sự thống nhất về quan điểm của EU liên quan đến phản ứng trước các quyết định của Nga. Quyết tâm thông qua các biện pháp trừng phạt mục tiêu đối với những người liên quan, phối hợp chặt chẽ với các đối tác và đồng minh”. Các biện pháp trừng phạt sẽ sớm được thông qua.

Đồng thời, thông báo trên cho biết các đại sứ sẽ nhóm họp trong tối cùng ngày.

Cùng ngày, Cao ủy Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni nhận định quyết định của Nga về sẽ Lugansk và Donetsk sẽ khiến dự báo của Uỷ ban châu Âu (EC) về tốc độ tăng trưởng khu vực euro sẽ càng bất định hơn.

Phát biểu tại một hội nghị kinh tế, ông Gentiloni nói rằng “sự bất định vẫn vây quanh chúng ta" và "sự vi phạm luật quốc tế thông qua sự công nhận của Nga với hai vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine sẽ làm gia tăng mạnh mẽ sự bất định này”. (AFP)

Nhiều nước châu Âu lên tiếng về hành động của Nga

Ngày 22/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nhận ra “tính toán sai lầm nghiêm trọng” nếu muốn xâm lược Ukraine, đồng thời nhận định dường như Moscow nhất quyết muốn thực hiện cuộc xâm lược toàn diện đối với Kiev.

Phát biểu với phóng viên sau khi chủ trì cuộc họp của ủy ban an ninh khẩn cấp quốc gia Anh cùng ngày. Thủ tướng Johnson nói: “Tôi nghĩ rằng bi kịch của tình hình hiện nay là xung quanh Tổng thống Putin toàn những cố vấn cùng chí hướng, những người nói với ông ấy rằng Ukraine không phải là một quốc gia thích hợp. Tôi nghĩ ông ấy sẽ nhận ra rằng mình đã tính toán sai lầm nghiêm trọng.

Theo BBC, “gói trừng phạt kinh tế” đầu tiên của London với Moscow sẽ được đưa ra tranh luận tại Hạ viện Anh vào tối cùng ngày.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng một số vùng lãnh thổ được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nằm ở phía bên kia ranh giới kiểm soát, vốn chia tách vùng nổi dậy của Ukraine với phần còn lại của nước này. Ông nói: “Theo những gì chúng ta thấy, Tổng thống Putin tuyên bố ông ấy sẽ công nhận các nhà nước độc lập ở vùng Donbass, song đáng ngại là một vài trong số đó bao gồm cả v lãnh thổ thực sự nằm ở phía bên kia của ranh giới kiểm soát”.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã triệu Đại sứ Nga tại Vienna Dmitry Lyubinsky sau động thái của Moscow công nhận LPR và DPR.

Phát biểu họp báo, ông Nehammer nói: “Nga vi phạm thỏa thuận, do đó, thật đáng tiếc, gây phức tạp cho các nỗ lực ngoại giao. Vì lý do này, hôm nay đại sứ Nga sẽ được triệu tới ... Bộ Ngoại giao”. Ngoài ra, ông cho hay, Áo đang đề nghị cử thêm quan sát viên cho Phái bộ Giám sát Đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở miền Đông Ukraine.

Ba Lan – chủ tịch luân phiên OSCE – thông báo, tổ chức an ninh lớn nhất thế giới này sẽ tiến hành cuộc họp bất thường cùng ngày sau động thái trên của Nga.

Phát biểu tại hội nghị Hội đồng Đối ngoại EU ở Brussels (Bỉ) ngày 21/2, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng ngoại giao là chìa khóa để làm dịu căng thẳng Ukraine-Nga vì chiến tranh sẽ dẫn đến hậu quả tàn khốc ở châu Âu: “Đối thoại nên là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng tôi đang rất quan tâm theo dõi các hoạt động của Nga ở biên giới Ukraine”. (AFP/Reuters/Sputnik)

Thổ Nhĩ Kỳ nói “không thể chấp nhận”, Syria ủng hộ quyết định của Nga

Đài NTV và các hãng truyền thông khác ngày 22/2 đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố việc Nga công nhận hai khu vực ly khai tại Đông Ukraine là “không thể chấp nhận được”, đồng thời ông kêu gọi tất cả các bên phải tôn trọng luật quốc tế.

Ngoài ra, ông Erdogan cho hay Ankara đã chuẩn bị “gói phòng bị” với tư cách là quốc gia trong khu vực.

Trái lại, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad ngày 22/2 cho biết quốc gia Trung Đông ủng hộ quyết định của đồng minh Nga công nhận hai khu vực ly khai ở Đông Ukraine.

Nhà ngoại giao này nêu rõ: “Syria ủng hộ quyết định của Tổng thống Vladimir Putin công nhận các các nền cộng hòa Luhansk và Donetsk cũng như sẽ hợp tác với họ. Việc phương Tây đang làm chống lại Nga tương tự với việc họ đã làm chống lại Syria trong cuộc chiến tranh khủng bố”.

Syria là đồng minh trung thành của Moscow kể từ khi Nga đã phát động chiến dịch không kích ở Syria vào năm 2015, giúp xoay chiều cuộc chiến có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad. (Reuters)

Mỹ-Iran

Tổng thống Iran lại kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 22/2 kêu gọi các nhà xuất khẩu khí đốt tránh bất cứ lệnh trừng phạt "tàn nhẫn" nào như các biện pháp mà Mỹ áp đặt với Tehran, cho rằng bất cứ sự hồi sinh nào đối với thỏa thuận hạt nhân 2015 của Iran với các cường quốc thế giới phải đi kèm với việc dỡ bỏ những hạn chế như vậy.

Tại hội nghị các nhà xuất khẩu khí đốt ở Doha (Qatar), ông Raisi nêu rõ: “Các thành viên của diễn đàn này không nên công nhận các lệnh trừng phạt đó (bởi vì) trong thế giới hiện nay, chúng ta thấy các lệnh trừng phạt sẽ không đạt hiệu quả”.

Trong buổi họp báo cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Iran, ông Ali Bahadori Jahromi cũng nhấn mạnh: “Bất cứ lệnh trừng phạt nào... giáng đòn vào những lợi ích kinh tế của Iran từ thỏa thuận (hạt nhân) phải được dỡ bỏ”. (Reuters)

Ấn Độ-Pakistan

Pakistan đề xuất cách mới giải quyết bất đồng với Ấn Độ

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết ông muốn tổ chức một cuộc tranh luận trên truyền hình với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi để giải quyết những bất đồng giữa hai nước láng giềng.

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh Russia Today (Nga), ông nói: “Tôi rất muốn tranh luận với ông Narendra Modi trên truyền hình”. Theo nhà lãnh đạo Pakistan, sẽ có lợi cho hàng tỷ người ở tiểu lục địa này nếu những bất đồng có thể được giải quyết thông qua tranh luận.

Hiện Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa phản hồi về bình luận của Thủ tướng Pakistan. (Reuters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả