Tín hiệu lạc quan cho cổ phiếu ngành IT
Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu soi nhận định này qua lăng kính của thị trường chứng khoán thì e là không lạc quan như vậy. Hai năm đã trôi qua, xu hướng tăng trưởng của thị trường vẫn không rõ ràng, dù mới vượt qua mốc 1.000 điểm. Nhưng cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) thì khác...
Doanh nghiệp vẫn thận trọng
Dù chúng ta đã được nghe rất nhiều những đánh giá lạc quan về tiềm năng của Việt Nam, nhưng con số không hề biết nói dối: các doanh nghiệp Việt Nam đang tỏ ra thận trọng trong hoạt động đầu tư.
Thực tế, năng suất của người Việt Nam còn tương đối thấp dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được một cách triệt để các cơ hội mà chiến tranh thương mại đem lại. Tuy nhiên có một lĩnh vực mà rõ ràng Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh, đó là IT. Việt Nam luôn được các cơ quan quốc tế đánh giá là một trong 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bối cảnh thị trường chứng khoán từ đầu năm
Mặc dù thị trường đã vượt mốc 1.020 điểm, nhưng dựa trên những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế thì sóng tăng hiện tại, theo quan điểm của người viết, chỉ có thể kéo dài trong ngắn hạn, và thị trường vẫn chưa có động lực đáng kể để bứt phá.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thiếu động lực tăng trưởng trong suốt năm 2019, cổ phiếu ngành công nghệ lại thể hiện sự hấp dẫn với mức tăng ấn tượng 51,4% kể từ đầu năm đến giờ. Nhóm ngành công nghệ vẫn còn động lực tăng trưởng rất lớn dựa trên các yếu tố nội tại của các doanh nghiệp cũng như những yếu tố chuyển dịch dòng vốn của khu vực.
Một cách tổng quan, ngành IT ở Việt Nam hiện tại vẫn còn khá nhỏ, hoạt động kinh doanh của ngành này đang nằm trong phân khúc thấp của chuỗi giá trị khi có đến 81,4% doanh thu từ mảng phần mềm đến từ việc gia công cho nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu. Thị trường cổ phiếu của ngành cũng khá non trẻ khi chỉ có hai đại diện có thể kể đến là CMG (Công ty cổ phần tập đoàn Công nghệ CMC) và FPT (tập đoàn FPT).
Tín hiệu lạc quan từ Nhật Bản và Hàn Quốc
Ngành IT Nhật Bản đã có mức tăng vốn đáng kể, lên đến 21 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2018. Đối với thị trường Hàn Quốc, sau giai đoạn giảm vốn huy động suốt năm 2018, đầu năm 2019 các công ty cũng bắt đầu tăng huy động vốn trở lại. Có thể nhận thấy, động thái gia tăng vốn mạnh mẽ của các doanh nghiệp IT Nhật Bản và Hàn Quốc là nhằm tận dụng thời điểm thuận lợi từ chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong hai năm qua.
Động thái của các công ty công nghệ Việt Nam
Các công ty Nhật Bản tăng vốn để mở rộng đầu tư đồng nghĩa với việc nhu cầu gia công tại thị trường này tăng lên. Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong việc gia công phần mềm cho Nhật Bản, vì thế mảng gia công phần mềm của Việt Nam có cơ hội tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng tăng trưởng tất yếu của chuyển đổi số, một số công ty đã thay đổi chiến lược phân bổ nguồn vốn của mình, tập trung đầu tư phát triển khối công nghệ nhiều hơn với mục tiêu trở thành công ty tư vấn dịch vụ chuyển đổi số.
Cuối năm 2018, FPT đã thâu tóm Intelinet - công ty tư vấn công nghệ của Mỹ, thương vụ này đã giúp FPT tiến lên một bậc trong chuỗi giá trị gia công phần mềm là cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng từ việc tư vấn thiết kế đến gia công sản phẩm. Từ chiến lược phân bổ vốn, khối công nghệ ngày càng đóng vai trò chủ chốt cho FPT và có kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2019 tăng 40% so với cùng kỳ, đóng góp 54% lợi nhuận toàn công ty.
Hai yếu tố trên tạo động lực vững chắc cho mức tăng giá 58% trong hơn 10 tháng qua của FPT. Kết quả đầu tư tốt của FPT cũng đã thúc đẩy các công ty khác trong ngành tăng trưởng, đặc biệt là CMG với mức tăng 74%.
Mặc dù là một doanh nghiệp non trẻ, Công ty CMC thể hiện sự phát triển nhanh chóng của mình khi luôn nỗ lực nâng cấp các dịch cụ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Dịch vụ Data Center của CMC được Telecom Asia Awards vinh danh là một trong tốp 4 nhà cung cấp dịch vụ Data Center tốt nhất. Ngoài ra, Multi-Cloud của CMC là nền tảng đầu tiên kết nối trực tiếp đến nền tảng Cloud của Google, Microsoft và Aws.
Trong bối cảnh Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành đang chuyển đổi số, nhu cầu về dịch vụ Cloud và Data Center trong nước tăng lên mạnh mẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của CMC thuận lợi. Kết quả kinh doanh quí 3 của công ty tốt nhờ mảng viễn thông tăng trưởng cao với doanh thu tăng 18% và lợi nhuận tăng 40% so với cùng kỳ.
Triển vọng CMG sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào sự kiện Samsung SDS trở thành cổ đông lớn. Tập đoàn Samsung SDS Hàn Quốc, tháng 8 vừa qua, đã mua và nắm giữ 30% cổ phần của CMG với mục tiêu nâng cao vị thế tại Việt Nam và tiếp cận, khai thác khu vực châu Á và Đông Nam Á.
Mặc dù nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng trưởng mạnh từ đầu năm nhưng với những cơ hội từ các thị trường Nhật và Hàn Quốc thì rõ ràng các doanh nghiệp IT của Việt Nam sẽ còn rất nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận