Thị trường chứng khoán: Tâm lý còn dè dặt, VN-Index tăng nhẹ với thanh khoản ít biến động
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch (28/10 - 1/11) phục hồi nhẹ. Chỉ số VN-Index tăng 2,17 điểm, tương đương 0,17% với thanh khoản duy trì ở vùng đáy. Khối ngoại tiếp tục bán ròng rất mạnh với tổng giá trị hơn 7.652 tỷ đồng, tạo áp lực nhất định lên chỉ số VN-Index.
Thị trường chứng khoán trong nước tuần (28/10 – 1/11) đã nỗ lực phục hồi với 3/5 phiên tăng điểm. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index kết tuần tăng vỏn vẹn hơn 2 điểm cho thấy áp lực bán gây ra khá nhiều khó khăn đối với nỗ lực hồi phục. Sự thận trọng của nhà đầu tư kéo thanh khoản thị trường sụt giảm sâu trong tuần qua.
VN-Index kết thúc tháng 10 ở mức 1.264,48 điểm, giảm -1,82% so với tháng 9. Phiên giao dịch đầu tháng 11 tiếp tục có diễn biến kém tích cực khi kết phiên giảm 9,59 điểm (-0,76%). VN-Index kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.254,89 điểm, tăng nhẹ so với tuần trước, duy trì trên vùng hỗ trợ tâm lý 1.250 điểm.
Phiên giảm mạnh cuối tuần lấy đi gần hết nỗ lực phục hồi của chỉ số trong suốt tuần qua, trong bối cảnh các quỹ ETF nội tái cơ cấu danh mục. Sự thiếu vắng thanh khoản ngay cả trong các phiên phục hồi cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường, khi chỉ số chưa có nhiều động lực bứt phá rõ ràng. Hơn nữa, áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục duy trì cũng gây thêm sức ép đáng kể.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự hồi phục nhẹ. Cụ thể, chỉ số HNX-Index 0,78 điểm (0,35%) lên mức 225,41 điểm trong cuối tuần trước và chỉ số UPCoM-Index cũng tăng 0,15 lên mức 91,96 điểm.
Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường trong tuần đạt 16.382 tỷ đồng/phiên. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 12.383 tỷ đồng, giảm mạnh -18,3% so với tuần trước và -23,9% so với trung bình 5 tuần gần nhất. Cầu chủ động kém đi ở hầu hết các phiên giao dịch trong tuần, ghi nhận ở cả 3 nhóm vốn hóa.
Về diễn biến các nhóm ngành, độ mở thị trường lấy lại sắc xanh với 13/21 nhóm ngành tăng điểm, được đóng góp chính bởi nhóm cổ phiếu Midcap. Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường trong tuần qua là các nhóm ngành như: Công nghệ viễn thông (+2,30%), hóa chất (+1,75%), cảng biển (+1,34%), thủy sản (+1,31%)... Ở chiều ngược lại, áp lực bán vẫn phủ bóng lên một số nhóm ngành: hàng tiêu dùng (-5,09%), bất động sản dân cư (-1,90%), dầu khí (+1,30%)...
Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với giá trị giao dịch đạt -7,652 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tính chung trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng hơn 7.800 tỷ đồng trong tuần. Tâm điểm bán ròng của khối này trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VIB (-5,400 tỷ đồng), MSN (-1,953 tỷ đồng), VHM (-528 tỷ đồng)... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ trọng một số mã: VPB (+704 tỷ đồng), TCB(+323 tỷ đồng), GMD(+177 tỷ đồng)...
Như vậy, thị trường chứng khoán trong nước tuần qua phục hồi nhẹ, đà tăng có xu hướng hụt hơi do lực cầu suy yếu. Áp lực bán vẫn “cháy âm ỉ” trong khi đà hồi phục không có tính lan tỏa và thu hút được dòng tiền khiến thị trường kết tuần gần như dậm chân tại chỗ.
Về xu hướng dòng tiền, tỷ trọng phân bổ dòng tiền giảm ở nhiều ngành lớn (ngân hàng, bất động sản, chứng khoán) trong khi tăng trở lại ở nhiều ngành nhỏ (thực phẩm, bán lẻ, thép, xây dựng, hóa chất, hàng không, điện, hàng cá nhân). Dòng tiền yếu đi ở ngành ngân hàng với tỷ trọng phân bổ dòng tiền giảm mạnh so với tuần trước, tuy nhiên chỉ số giá của ngành vẫn tăng +1,02% nhờ các cổ phiếu đầu ngành (VCB, CTG, BID) và nhóm vốn hóa nhỏ hơn (STB, VIB, LPB, SHB). Chứng khoán là ngành đáng chú ý trong tuần này với tỷ trọng dòng tiền giảm về đáy 10 tuần và chỉ số giá giảm -1,25% do SSI (-1,87%), VIX (-3,15%), VCI (-1,74%).
Đánh giá về thị trường tuần qua, các chuyên gia của SHS Research cho rằng, chỉ số VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.245 điểm - 1.255 điểm, với kháng cự gần nhất quanh 1.270 điểm. Xu hướng trung hạn VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm. Trong đó vùng giá 1.300 điểm là vùng kháng cự rất mạnh tương vùng vùng giá cao nhất đầu từ đầu năm 2024. Thị trường chỉ vượt qua các vùng kháng cự này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội; đồng thời, các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị thế giới hạ nhiệt.
“Trong bối cảnh hiện nay, khoảng trống thông tin sau báo cáo quý III, bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, thanh khoản thị trường kém. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức hợp lý. Tỷ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong cuối năm. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt” - Chuyên gia SHS Research phân tích.
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán BETA, trong tuần qua, thị trường đã diễn biến khá giằng co khi các bên mua và bán liên tục thay phiên dành quyền kiểm soát. Đầu tuần, lực cầu có dấu hiệu chiếm ưu thế, đẩy VN-Index vào trạng thái phục hồi tích cực. Tuy nhiên, từ giữa đến cuối tuần, áp lực bán gia tăng, nhất là vào phiên cuối tuần, đã khiến VN-Index giảm điểm mạnh, thu hẹp đáng kể mức tăng đạt được trước đó. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt, chưa thực sự giải tỏa, mặc dù có những dấu hiệu phục hồi ở một số mã phiếu.
Thị trường chứng khoán: Cầu chủ động yếu, VN-Index tăng nhẹ với thanh khoản duy trì ở vùng đáy.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là thanh khoản suy yếu và áp lực bán gia tăng vào cuối tuần, dẫn đến khả năng tiếp tục có những phiên rung lắc trong thời gian tới. Dù vậy, mặt tích cực là một số cổ phiếu đã giảm về mức giá hấp dẫn, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư có thể lựa chọn các mã tiềm năng với giá trị hợp lý.
Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên cân nhắc giải ngân từng phần thay vì mua vào ồ ạt. Việc chia nhỏ dòng tiền vào các đợt khác nhau sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực nếu thị trường còn tiếp tục điều chỉnh. Cùng với đó, việc lựa chọn những mã có nền tảng cơ bản tốt và khả năng tăng trưởng ổn định là yếu tố quan trọng, nhất là trong giai đoạn biến động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận