24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Như
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Techcombank có bị ảnh hưởng khi dừng hợp tác với Manulife?

Việc dừng hợp tác trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm với Manulife diễn ra vào thời điểm cuối năm có thể không ảnh hưởng lên bức tranh kinh doanh chung của Techcombank. Nhìn xa hơn, đây là chính cơ hội để Ngân hàng này làm mới mảng hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) khi ngành bảo hiểm vừa trải qua một đợt tái cấu trúc toàn diện.

Ngày 07/10/2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) và Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam cùng thông báo chính thức dừng hợp tác sau hơn 10 năm đồng hành.

Động thái này khiến giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng lên nguồn thu của TCB trong tương lai. Tuy nhiên, nếu nhìn bức tranh tài chính của TCB, điều này có thể không đem lại tác động đáng kể nào ngoại trừ về mặt tâm lý. Đây cũng là một điều dễ hiểu khi hơn 10 năm qua, hai bên cũng có những thành tựu nhất định.

Những năm gần gần đây, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của TCB nhờ sự khác biệt trong chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, bằng việc cung cấp các giải pháp và dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp độc đáo dựa trên số hóa, giúp khách hàng hiện thực hóa các mục tiêu tài chính. Đến nay, TCB là ngân hàng cổ phần tư nhân có vốn hóa lớn nhất trên thị trường.

Techcombank hiện phục vụ hơn 14.4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thông qua nền tảng ngân hàng số và ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di dộng, cũng như mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng khắp trên cả nước. Cách tiếp cận hệ sinh thái của Techcombank, được thực hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế chính với các đối tác, tiếp tục tạo sự khác biệt cho Ngân hàng.

Trong bức tranh kinh doanh của TCB giai đoạn 5 năm trở lại đây, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đều cho thấy sự tăng trưởng, trong đó nguồn thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán thường chiếm tỷ trọng cao nhất, kế đó là nguồn thu từ phí dịch vụ thẻ và phí dịch vụ ngân hàng đầu tư rồi mới đến hoạt động bảo hiểm.

Năm 2022, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của TCB đạt mức cao nhất, hơn 1,750 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tỷ trọng thu ngoài lãi. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn các mảng chủ lực của ngân hàng là thẻ, ngân hàng đầu tư hay thư tín dụng.

Nếu so với tổng thu nhập hoạt động (TOI), nguồn thu từ mảng bancassurance chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, trung bình khoảng 4% trong 5 năm gần nhất.

Techcombank có bị ảnh hưởng khi dừng hợp tác với Manulife?

Nguồn: VietstockFinance

Khi ngành bảo hiểm bước vào cuộc khủng hoảng niềm tin cuối 2022 và đầu 2023, hoạt động bancassurance ở tất cả các ngân hàng đều chững lại, TCB cũng không ngoại lệ khi giảm chỉ còn 667 tỷ đồng. Dù vậy, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng trong năm 2023 vẫn đạt hơn 40 ngàn tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 1% so với năm trước, lãi trước thuế đạt 22.9 ngàn tỷ, vượt kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông. Cần lưu ý rằng kết quả này đặt trong bối cảnh thị trường tài chính chịu cùng lúc hai cú sốc: bảo hiểm và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo dữ liệu ngân hàng công bố thì doanh thu phí bảo hiểm quy năm (APE) đã có bước phục hồi trong quý 2 với mức ghi nhận APE tăng 32% (so với quý 2/2023), góp phần cải thiện APE lũy kế 6 tháng lên mức 400 tỷ, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính, trong 8 tháng đầu năm APE của Techcombank có thể đã đạt được mức tăng trưởng 2 con số, gần 10% trong bối cảnh toàn thị trường vẫn ghi nhận đà giảm. Như vậy, phần còn lại của năm, giả sử không phát sinh doanh thu phí từ hoạt động bancassurance thì điều này cũng không ảnh hưởng đáng kể lên bức tranh kinh doanh tổng thể của Ngân hàng nhờ vào chiến lược đa dạng hóa nguồn thu mà ngân hàng đã triển khai quyết liệt trong các năm qua. Chưa kể, TCB được dự đoán có thể thực hiện liên kết với đơn vị bảo hiểm khác trong ngắn hạn để tạo nguồn thu bổ sung, thay thế.

Tựu trung lại, việc dừng hợp tác trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm với Manulife diễn ra vào thời điểm cuối năm có thể đã được ban lãnh đạo TCB đánh giá kỹ lưỡng, tránh biến động hoặc ảnh hưởng lên tình hình tài chính của Ngân hàng. Mặt khác, sau khi chấm dứt quan hệ độc quyền với Manulife, nhà băng này lại còn “tự do” hơn để kết nối cùng các đối tác khác theo dạng liên kết để có kênh thay thế ngay và tiếp tục phục vụ khách hàng.

Còn trong dài hạn, như đã đề cập, ngành bảo hiểm vừa trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất lịch sử. Bản thân chính các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng buộc phải chuyển dịch và thay đổi. Đối với thị trường bán chéo bảo hiểm, đây cũng là thời điểm để làm mới lại. Nhìn vào động thái mới của Techcombank, có lẽ ngân hàng đã sẵn sàng cho cơ hội để làm mới mảng kinh doanh bancassurance. Trong tương lai, với nền tảng nội lực của mình, TCB hoàn toàn có khả năng bứt phá, đưa mảng kinh doanh này duy trì lợi thế vốn có của mình.

Theo đó, TCB có thể định vị lại chiến lược cho mảng bảo hiểm và tìm kiếm đối tác mới để đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách trọn vẹn “end to end” như họ muốn, qua đó thực hiện tham vọng dẫn đầu ở mảng quản lý gia sản, trong đó bao gồm sản phẩm bảo hiểm (như cách mà TCB dẫn đầu ở mảng trái phiếu doanh nghiệp).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
23.45 +0.25 (+1.08%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả