Tăng trưởng ngành thịt của Masan sau khi có VinMart và VinMart+ sẽ như thế nào ?
Ngày 3-12-2019, Vingroup và Masan Group đã thỏa thuận nguyên tắc về việc Công ty VinCommerce (sở hữu hệ thống Vinmart và Vinmart+), Công ty VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội tại Việt Nam. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce và VinEco thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Thương vụ M&A của năm
Nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến làn sóng đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài.
Từ Hàn Quốc, Woowa Brothers mua lại một công ty giao thức ăn của Việt Nam, Tập đoàn SK đồng ý đầu tư 1 tỷ USD mua 6% cổ phần của Vingroup.
Từ Nhật Bản, Mitsui & Co đồng ý thỏa thuận chi gần 150 triệu USD cho 35,1% cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú; Advantage Partners mua lại chuỗi thời trang trong nước Elise…
Các doanh nghiệp nội như Masan, KIDO, TTC, Vinamilk... cũng không kém cạnh trong các thương vụ M&A.
Năm 2019, Vinamilk đã chi hơn 1.171 tỷ đồng mua 38,24% vốn điều lệ của GTNFoods, hay như vào trung tuần tháng 8/2019, SCIC tiến hành đấu giá lô cổ phần gần 1.000 tỷ đồng tại Vocarimex.
Tuy nhiên, thương vụ M&A khiến thị trường “dậy sóng” đã diễn ra giữa hai doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Theo chia sẻ từ hai phía, thoả thuận hợp tác này nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên và giúp cho cả Vingroup lẫn Masan tập trung vào thế mạnh cốt lõi của mình.
Về phía Vingroup, giao dịch giúp tập đoàn có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp với hai thương hiệu chủ lực là VinFast và VinSmart.
Về phía Masan, sở hữu hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam từ Vin là bước đi quan trọng để hoàn thiện bài toán “3 chữ A” của doanh nghiệp này.
Bài toán 3 chữ A của ngành bán lẻ
Tại Diễn đàn Công nghệ FPT 2019, ông Nguyễn Anh Nguyên – Phó TGĐ của Masan Group cho biết, để phát triển như ngày hôm nay, Masan đặt ra cho mình 3 chữ A cần phải chinh phục.
Chữ A đầu tiên vô cùng quan trọng, đó chính là “Assurance of Quality" - bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Mỗi năm tập đoàn này sản xuất hơn 2 tỷ gói mì, nửa tỷ chai nước mắm, nước tương, tương ớt… Dù sản xuất lượng hàng lớn, tất cả các sản phẩm phải được đảm bảo chất lượng đồng đều.
Chữ A tiếp theo được nhắc đến là "Affordable" - giá cả phải chăng.
Đặc biệt, với hơn 60% dân số Việt Nam cư trú vùng nông thôn, nơi người dân phải dành tới 50% thu nhập của mình để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày, trong đó có thực phẩm và đồ uống.
Thấu hiểu thị trường, mong muốn mang đến sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, Masan đã tập trung vào quản lý hiệu quả chi phí.
Ông Nguyễn Anh Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi buộc mỗi đồng tiền như vậy phải làm chăm chỉ gấp đôi, để sinh ra chút lợi nhuận nhỏ bé đổ ngược vào thương hiệu, tiến trình sản xuất, dịch vụ, đổ ngược vào giá để có lợi cho người tiêu dùng".
Chữ "A" cuối cùng đó chính là "Availability" - tính sẵn có của sản phẩm.
“Quảng cáo trên TV cho lắm mà ngày mai người dân ra chợ không có hàng thì quảng cáo làm gì?" Đó chính là câu hỏi mà ông Nguyên cũng như ban lãnh đạo Masan đặt ra.
Để giải quyết câu hỏi này, ông Nguyên cho biết: "Nguyên liệu lúc nào cũng phải sẵn, nhà máy lúc nào cũng phải chạy, xe tải lúc nào cũng phải sẵn sàng và hàng lúc nào cũng phải nằm trên kệ, và nằm trên kệ đúng giá, đúng kích thước".
Hiểu rõ khâu phân phối đóng vai trò quan trọng, Masan đã phải mất 3 năm lên kế hoạch và một năm rưỡi để thực hiện và đảm bảo 2.600 siêu thị và 370.000 cửa hàng ở 11.800 xã lúc nào cũng có hàng.
Đi tắt đón đầu, Masan sở hữu hơn 3.000 điểm bán chỉ trong 1 đêm, người tiêu dùng hưởng lợi
Với thương vụ sáp nhập VinCommerce và VinEco, thông qua chuỗi cửa hàng VinMart (3.000 điểm bán) và VinMart+ (72 điểm), Masan sẽ có thêm 3.072 điểm bán trên toàn quốc.
Đơn cử như với sản phẩm thịt mát MEATDeli của Masan MEATLife, thay vì mất vài năm để xây dựng hệ thống phân phối, chỉ "sau một đêm", tổng số điểm bán sản phẩm này đã nâng lên hơn 3.500 điểm, đạt mục tiêu số điểm bán dự kiến của năm 2021.
Với lợi thế nắm trong tay chuỗi giá trị hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ trang trại đến bàn ăn), Tổ hợp chế biến thịt mát hiện đại nhất đạt chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam và là Tổ hợp đầu tiên và duy nhất trong nước ở lĩnh vực thịt tươi được cấp chứng chỉ toàn cầu BRC về An toàn Thực phẩm, đồng thời rút ngắn thời gian 2 năm để phát triển điểm bán, MEATDeli đã có lợi thế dẫn đầu thị trường so với các đối thủ cùng ngành.
Doanh thu tăng thêm (ước tính) của thịt mát MEATDeli vào năm 2020 là khoảng 105 triệu USD nhờ vào mở rộng hệ thống phân phối hiện có của chuỗi VinMart và VinMart+ trong năm 2019.
Đây là doanh thu tăng lên tạm tính cho thịt mát, chưa bao gồm thịt chế biến. Với định hướng kinh doanh 50% doanh thu của Masan MEATLife (MML) đến từ thịt chế biến, dư địa tăng trưởng cho MML trong chuỗi VinMart và VinMart+ là còn rất lớn.
Rõ ràng, các sản phẩm của Masan sẽ hưởng lợi rất lớn khi hệ thống bán lẻ được mở rộng. Masan có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận khi tiết giảm loạt chi phí trung gian từ khâu sản xuất đến bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Minh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ với VTV24: “Với vấn đề cạnh tranh trên thị trường hiện tại thì ngoài vấn đề chất lượng hàng hóa là vấn đề giá cả. Hiện nay tình trạng hàng hóa từ sản xuất để bán lẻ phải qua rất nhiều khâu trung gian, khi vào đến siêu thị phải chiết khấu từ 20-30%. Nếu hai tập đoàn này bắt tay với nhau thì thì toàn bộ chi phí trung gian sẽ không còn và có điều kiện để hạ giá, cạnh tranh trên thị trường với những thương hiệu bán lẻ khác. Rõ ràng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay tức khắc”.
Giá cổ phiếu trong ngắn hạn và khả năng dẫn dắt thị trường trong dài hạn
Khi những tập đoàn nước ngoài như Amazon hay Alibaba đã và đang thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo trong khoảng 3-5 năm tới, nếu các nhà bán lẻ Việt Nam không có chiến lược cạnh tranh hiệu quả, thì sẽ mất đi khả năng bán hàng.
Do đó, thương vụ M&A này có thể cũng nằm trong chiến lược của Masan để đối phó với sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại.
Thương vụ M&A này sẽ giúp tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của Masan và gia tăng sức mạnh trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu, giá trị cổ phiếu của bên nhận sáp nhập đã trải qua sự sụt giảm. Kết thúc tuần đầu tiên sau khi công bố thương vụ, cổ phiếu MSN giảm 7.500 đồng (10,7%) còn 62.500 đồng/ cổ phiếu.
Lý giải cho tình trạng giảm giá của MSN trong những phiên gần đây, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho biết diễn biến thường lệ của giá cổ phiếu ngay sau công bố thương vụ M&A giống như bao thương vụ khác trên thế giới: Bên mua sẽ chịu rủi ro từ khả năng tích hợp và tạo giá trị cộng hưởng từ vụ sáp nhập. Cụ thể là rủi ro về việc nắm quyền kiểm soát cũng như lợi ích trong định giá thương vụ…
Một chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu MSN có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do các nhà đầu tư lo ngại việc tập đoàn sẽ phải làm thế nào để tạo ra dòng tiền tương lai bù đắp cho phần chi phí phải trả để nắm quyền kiểm soát hệ thống VinCommerce và VinEco.
Tuy nhiên trong dài hạn, khi nắm trong tay nhiều lợi thế như trên, thì Masan sẽ ngày càng phát triển mạnh. Theo đó, giá cổ phiếu MSN sẽ sớm phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận