Sức khoẻ tài chính SHB trước khi “chuyển nhà” sang HoSE
Hơn 1,9 tỷ cổ phiếu SHB sẽ được giao dịch trên HoSE từ ngày 11/10.
Kế hoạch tăng vốn lên 26.600 tỷ đồng
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 11/10.
Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu SHB trên HNX là 5/10.
Cụ thể, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu SHB sẽ được chuyển sang niêm yết từ sàn HNX sang sàn HoSE, tương đương với giá trị cổ phiếu chuyển giao dịch theo mệnh giá là 19.260 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo SHB cho biết, việc chuyển giao dịch cổ phiếu sang HoSE là bước đi chiến lược nhằm đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, gia tăng sức hút cũng như giá trị thị trường của cổ phiếu SHB khi niêm yết trên sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc giao dịch trên HoSE cũng mở ra giai đoạn mới đáng chú ý khi SHB nhiều khả năng sẽ tiến tới lọt rổ hàng loạt chỉ số Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF, VN30.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Ngân hàng SHB được niêm yết và giao dịch chính thức tại HNX từ năm 2009 với mức vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trải qua nhiều đợt tăng vốn, tính đến cuối tháng 6/2021, vốn điều lệ của nhà băng này đạt 19.260 tỷ đồng.
Mới đây, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.413 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10,5%. Ngoài ra, SHB cũng dự kiến chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá dự kiến là 12.500 đồng/CP, mức này chưa đến một nửa thị giá hiện nay.
Như vậy, nếu hai đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng gần 40% lên 26.600 tỷ đồng. Theo đó, thương vụ tăng vốn điều lệ này sẽ đưa SHB vào top 10 nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống ngân hàng.
SHB đang kinh doanh ra sao?
Sau 6 tháng đầu năm 2021, SHB ghi tổng doanh thu tăng gần 9% so với cùng kỳ, đạt 16.486 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần là nguồn thu chính đem về khoản lãi gấp gần 2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 6.800 tỷ đồng.
Các khoản thu phi tín dụng cũng được đẩy mạnh như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 27% (261 tỷ đồng), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 11 lần (294 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác gấp 2 lần (hơn 17 tỷ đồng)…
Mặc dù nâng chi phí trích lập dự phòng rủi ro lên gấp 3 lần cùng kỳ, song nhà băng này vẫn báo lãi ròng tăng 92%, đạt hơn 2.548 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ngân hàng này đến hết 30/6 đạt 458.877 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của nhà băng đạt 331.490 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với đầu năm.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của SHB là nợ xấu khi tính đến cuối quý II, khoản này tăng 22% so với đầu năm, ghi nhận gần 6.842 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 2,02% dư nợ.
Để xử lý nguồn nợ xấu, SHB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro khi chi phí cho khoản dự phòng rủi ro tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 3.638 tỷ đồng. Song song đó, nhà băng này cũng đẩy mạnh công tác xử lý nợ Vinashin và trái phiếu VAMC.
V cuối tháng 8 vừa qua, SHB đã công bố thương vụ chuyển nhượng công ty tài chính SHB Finance cho Krungsri – thành viên thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG). Theo Krungsri, giá trị của thương vụ chuyển nhượng này có thể lên đến 3.590 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận