"Sóng" cổ phiếu của doanh nghiệp chia cổ tức
Thị trường chứng khoán khởi sắc, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng tranh thủ bứt phá mạnh, đặc biệt là những cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan đến việc công bố kế hoạch chia cổ tức.
Điển hình như trường hợp của CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO). Cổ phiếu này vừa có phiên tăng kịch trần thứ 3 liên tiếp, qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới tại 15.400 đồng/cp. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VTO đã tăng hơn 60%. Vốn hóa thị trường tương ứng 1.229 tỷ đồng.
Thị giá tăng cao, hấp dẫn dòng tiền
Hay như cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu. Chốt phiên 10/7, cổ phiếu LHG dừng tại mức 40.900 đồng/cp, gần mức đỉnh lịch sử thiết lập năm 2021. Tính từ đầu năm 2024, thị giá LHG đã tăng xấp xỉ 40%.
Được biết, CTCP Long Hậu vừa thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 19%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.900 đồng. Với hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Long Hậu sẽ trả tổng cộng hơn 95 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Ngày đăng ký cuối cùng chưa được thông báo cụ thể, thời gian thanh toán dự kiến trong tháng 8/2024.
Nhìn lại lịch sử, kể từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp bất động sản này luôn chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn cho cổ đông. Trong 5 năm gần nhất, Long Hậu luôn duy trì chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 19%, chỉ thấp hơn mức cổ tức kỷ lục 25% vào năm 2010.
Một cái tên thuộc ngành hoá chất cũng chứng kiến chuỗi tăng đầy ấn tượng là cổ phiếu CSV của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam.
Phiên 10/7 đánh dấu chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp với dư mua giá trần gần nửa triệu đơn vị, đẩy thị giá cổ phiếu CSV chạm mức lên mốc 41.150 đồng/cp. Nhờ vậy, thị giá CSV tiếp tục phá đỉnh lịch sử, tương ứng tăng 55% kể từ đầu tháng 7. Còn nếu tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này thậm chí còn tăng khoảng 145% giá trị, vốn hóa theo đó cũng đạt ngưỡng trên 4.500 tỷ đồng.
Đà tăng ấn tượng trên diễn ra ngay sau ngày Hoá chất Cơ bản miền Nam chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền và nhận phát hành cổ phiếu để tăng vốn vào ngày 2/7 mới đây. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phát hành hơn 66 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 100:150 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu mới), tăng vốn điều lệ từ 442 tỷ lên 1.105 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng những phiên gần đây cũng được cho là hiệu ứng sau việc hàng loạt ngân hàng lớn như SeABank (SSB), Sahabank (SHB), Techcombank (TCB), Nam A Bank (NAB), HDBank (HDB)... vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ hoặc công bố kế hoạch chia cổ tức để tăng vốn.
Không để “trái ngọt” thành... trái đắng!
Nhìn chung, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư có xu hướng quan tâm hơn đến kênh đầu tư cổ phiếu, nhất là với các mã chi trả cổ tức cao khi thị trường còn nhiều biến động.
Hiện nay, trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp chi trả cổ tức ở mức trên 100% chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường có thị giá khá cao và không phải lúc nào muốn cũng mua được số lượng lớn, vì thanh khoản thường khá thấp do cổ đông có xu hướng nắm giữ để “ăn cổ tức". Tuy nhiên, nếu đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao luôn là một lựa chọn hợp lý. Bởi những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức từ 10% trở lên đi kèm với triển vọng tăng giá của cổ phiếu sẽ là mức sinh lời thỏa đáng.
Dù vậy, có một thực tế là không phải cổ phiếu nào chia cổ tức cao cũng đều hấp dẫn như nhau, mà yếu tố quan trọng nhất cấn xem xét đó là triển vọng tăng giá của cổ phiếu. Bởi lẽ, sau chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh, nếu giá cổ phiếu không tăng sau khi chia cổ tức đồng nghĩa với nhà đầu tư không được lợi (thậm chí còn bị lỗ nếu giá cổ phiếu đi xuống). Chưa kể nhà đầu tư mua cổ phiếu sát ngày chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức có thể gặp phải rủi ro “đu đỉnh”, tuy được hưởng cổ tức nhưng đối diện với nguy cơ thua lỗ vì giá giảm, chưa kể cổ tức phải nộp thuế thu nhập 5%.
Việc nhiều nhà đầu tư có lời lớn khi được các doanh nghiệp chia cổ tức cho thấy đầu tư chứng khoán là một trong những kênh đầu tư đầy triển vọng. Tuy nhiên, đi kèm với lợi nhuận cao thì rủi ro cũng không ít. Và yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định triển vọng tăng trưởng của giá cổ phiếu là triển vọng tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - điều mà các doanh nghiệp có cổ tức cao, đều đặn thực hiện được.
Theo các chuyên gia, để có thể thu lợi từ ăn cổ tức, nhà đầu tư cần chú ý một số điểm.
Trước hết, cổ tức phải được ưu tiên chi trả bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến tỷ suất cổ tức, tức tỷ lệ chi trả cổ tức trên giá cổ phiếu. Tiếp theo, cần lựa chọn các công ty chi trả cổ tức cao dựa trên tình hình tài chính vững chắc, mô hình kinh doanh ít rủi ro và biến động. Việc chi trả cổ tức quá cao so với khả năng tài chính có thể dẫn đến rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của công ty về lâu dài.
Cuối cùng, cần xét đến triển vọng tương lai của doanh nghiệp. Dữ liệu lịch sử có thể cung cấp cái nhìn lệch lạc về khả năng chi trả cổ tức của doanh nghiệp. Nên nghiên cứu và đánh giá khả năng duy trì cổ tức cao của doanh nghiệp đó trong thời gian sắp tới và trong tương lai. Đồng thời, cân nhắc những doanh nghiệp tuy chưa có lịch sử chi trả cổ tức cao trước đó nhưng đã có thể bắt đầu bước vào giai đoạn chi trả cổ tức cao (do hết các dự án đầu tư lớn, hoạt động kinh doanh bắt đầu đem lại lợi nhuận và dòng tiền).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận