Soi sức khỏe tài chính DongThap BMC - đích nhắm M&A mới của Vinaconex
Nghị quyết HĐQT Vinaconex mới đây đặt ra mục tiêu mua cổ phần Nhà nước thoái vốn tại DongThap BMC. Một ngày sau đó, 41,49% vốn do UBND tỉnh Đồng Tháp nắm giữ đang bán xong trên sàn.
Hơn 41,49% vốn DongThap BMC đã về tay Vinaconex?
Sáng 10/6, giao dịch cổ phiếu BDT của CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (DongThap BMC) bất ngờ ghi nhận khối lượng khớp lệnh đột biến. Hơn 16 triệu cổ phiếu, tương đương 41,49% vốn điều lệ, đã được chuyển nhượng. Bên bán là UBND tỉnh Đồng Tháp - cổ đông lớn nhất sở hữu 92,49% vốn điều lệ DongThap BMC trước giao dịch.
Giao dịch trên đã được thông báo trước đó, dự kiến thực hiện từ ngày 13/5 đến 11/6. Toàn bộ lượng cổ phiếu bán ra đã được chuyển nhượng trong vỏn vẹn một ngày, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại công ty xuống còn 51%.
Đến thời điểm hiện tại, danh tính bên mua chưa được công bố. Nguyên nhân có thể đến từ việc lượng cổ phiếu trên “sang tay” nhiều nhà đầu tư dẫn đến không xuất hiện cổ đông mới sở hữu từ 5% cổ phần trở lên. Hoặc cổ đông lớn chưa thực hiện báo cáo bởi vẫn đang trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch.
Đáng chú ý rằng, chỉ một ngày trước thời điểm giao dịch, một cuộc họp giữa các thành viên HĐQT của Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã được tiến hành. Qua đó, công ty phê duyệt việc mua toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái vốn tại DongThap BMC trong đợt thoái vốn của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Đợt bán đầu tiên vừa qua đã mang về cho cổ đông Nhà nước khoảng 450 tỷ đồng, ước tính theo giá bình quân khớp lệnh trong phiên (28.000 đồng/cổ phiếu).
Theo mức giá trên, để có thể mua toàn bộ 92,49% vốn DongThap BMC, số tiền mà Vinaconex chi ra gần 1.000 tỷ đồng.
Cũng có khả năng Vinaconex chưa kịp mua trong đợt thoái vốn gần nhất, nhưng Tổng công ty vẫn còn cơ hội ở lô cổ phần còn lại (51% vốn). Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông trong trường hợp này sẽ mất đi tính cô đặc. Bản thân Vinaconex cũng từng là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với cơ cấu cổ đông sau khi Nhà nước thoái vốn gồm hai nhóm cổ đông nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn. Điều này từng là trở ngại với hoạt động của tổng công ty này trong một vài năm.
DongThap BMC có gì?
DongThap BMC thành lập từ năm 1992 trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng Đồng Tháp gồm Công ty Khai thác cát sông và san lấp mặt bằng; Công ty Khảo sát thiết kế và xây dựng; Công ty Cung ứng và vật liệu xây dựng và Công ty Kinh doanh dịch vụ Đồng Tháp.
Một số lĩnh vực mà DongThap BMC có lợi thế là mảng xây dựng giao thông, các mảng sản phẩm như cát xây dựng, bê tông tươi, cống bê tông ly tâm… Công ty này nằm trong nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về khai thác cát xây dựng và cung ứng một phần về thị trường TP.HCM.
Không chỉ vậy, trong kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp này còn loạt dự án khu công nghiệp, bất động sản. Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất là dự án Khu công nghiệp Tân Kiều tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp dự kiến triển khai từ năm 2019 đến năm 2023 với tổng giá trị đầu tư 1.266 tỷ đồng. Dự án cụm công nghiệp Tân Lập tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp có tổng giá trị đầu tư gần 316 tỷ đồng, DongThap BMC đã giải ngân 87,3 tỷ đồng.
“Do nhiều yếu tố khách quan và tính đến sự an toàn vốn trong điều kiện nhìn nhận kinh tế thị trường có thể phát sinh rủi ro không lường trước, công ty vẫn chưa mạnh dạn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, chưa tăng thêm được ngành nghề mới và chưa mở rộng được thị trường hoạt động”, báo cáo từ lãnh đạo Dong Thap BMC cho hay.
Quy mô vốn điều lệ của công ty duy trì ở mức 386 tỷ đồng từ khi cổ phần hóa đến nay. Vào cuối năm 2018, công ty đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 999,74 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhưng sau đó quyết định dừng lại. Việc thoái vốn Nhà nước cũng từng được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp thường niên năm 2019 nhưng vẫn chưa thể thực hiện cho đến nay.
Kết quả kinh doanh của DongThap BMC 4 năm gần đây nhìn chung ổn định sau khi bứt phá khá tốt trong năm 2017. Doanh thu tăng trưởng không rõ nét, chỉ quanh khoảng 560 tỷ đồng và cao nhất đạt 594 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận nhích dần và vượt 100 tỷ đồng lãi sau thuế vào năm 2019.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đà tăng trưởng không còn được duy trì. Năm 2020, doanh thu bán hàng của DongThap BMC đạt 562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99,1 tỷ đồng, dù giảm nhẹ so với năm trước nhưng đều vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 2.145 đồng.
Cổ phiếu BDT của DongThap BMC chính thức chào sàn từ tháng 9/2017. Tuy nhiên, với chỉ khoảng 3 triệu cổ phiếu tự do chuyển nhượng, thanh khoản của cổ phiếu trên sàn gặp nhiều hạn chế với khối lượng giao dịch chỉ quanh vài chục nghìn cổ phiếu/phiên. Giá cổ phiếu BDT đã tăng rất mạnh trong một năm gần đây, từ khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh xác lập mới là 29.000 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường