24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Soi sức khỏe' của doanh nghiệp có cổ phiếu 'giá trà đá' trên sàn HoSE

Trên sàn HoSE - nơi có nhiều yêu cầu và điều kiện ràng buộc khắt khe để được niêm yết hơn sàn HNX, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có xu hướng tìm đến các cổ phiếu có thị giá thấp để đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp có cổ phiếu “siêu rẻ” đều đang gặp vấn đề về tài chính lâu năm.

Thống kê trên sàn HoSE hiện có 9 cổ phiếu có thị giá dưới 5.000 đồng/cp: HNG (HAGL Agrico), TNT (Tập đoàn TNT), ITA (Tân Tạo), HII (An Tiến Industries), PLP (Nhựa Pha Lê), TTF (Gỗ Trường Thành), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), LDG (Đầu tư LDG), DLG (Đức Long Gia Lai). Điểm chung của các doanh nghiệp có cổ phiếu "giá bằng cốc trà đá" này là hầu hết đều gặp vấn đề về tài chính lâu năm.

Hầu hết đều gặp vấn đề về tài chính lâu năm

Điển hình như HAGL Agrico. Trong thập niên qua, doanh nghiệp được 5 kỳ có lãi, bao gồm giai đoạn 2013-2015 và năm 2017. Còn từ khi có sự góp mặt của công ty ông Trần Bá Dương, 2020 là năm lãi duy nhất, cũng chỉ 21 tỷ đồng. Đậm nhất là khoản lỗ ròng kỷ lục 3,5 ngàn tỷ đồng ở năm 2022.

Tuy nhiên, chính người sáng lập, cựu Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng ví von HAGL Agrico “chỉ còn xương”, “làm gì còn ruột để rút”.

Thực tế, lợi nhuận trong năm 2017 và 2020 chủ yếu nhờ thanh lý khoản đầu tư chứ không phải hoạt động kinh doanh. Như năm 2017, HAGL Agrico thu 716 tỷ đồng lãi sau khi bán nhóm công ty mía đường và CTCP Cao su Ban Mê. Tương tự, số tiền này của năm 2020 là 931 tỷ đồng.

Tính tới cuối tháng 6/2024, tổng lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên tới gần 8.472 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu giảm về dưới 2.387 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành từng được ví như "vua gỗ", doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm gỗ, lại đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn.

Năm 2016, một “scandal” lớn trong làng tài chính Việt Nam bùng lên khi Kiểm toán E&Y phát hiện hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành bị thiếu hụt 980 tỷ đồng so với sổ sách. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ kỷ lục 1.296 tỷ đồng trong năm 2016.

Năm 2017, "ông trùm giải cứu" Mai Hữu Tín, người được biết đến với các thương vụ M&A và vực dậy thành công Bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 và Giấy Sài Gòn năm 2013 đã có mặt để "trục vớt con tàu đắm" Gỗ Trường Thành.

Sau 5 năm kể từ ngày được giải cứu, đến cuối năm 2021, TTF đã tuyên bố giải quyết được khối nợ hàng nghìn tỷ với ngân hàng, nhưng con số về lợi nhuận vẫn còn khoảng cách xa so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Tính đến hết tháng 6/2024, khối lỗ luỹ kế 3.231 tỷ đồng vẫn trĩu nặng trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Hay như CTCP Đầu tư LDG. Theo BCTC quý II/2024, Đầu tư LDG công bố doanh thu thuần âm hơn 19 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là dương 331 triệu đồng). Chưa kể, công ty còn tiếp tục chi cho các chi phí dẫn đến lỗ sau thuế hơn 171 tỷ đồng, gấp 2,3 lần khoản lỗ năm ngoái là hơn 74 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 7 liên tiếp, doanh nghiệp báo lỗ.

Luỹ kế nửa đầu năm, Đầu tư LDG ghi nhận doanh thu thuần âm 149 tỷ đồng, lỗ ròng 296 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp là 175 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, ngày 22/7/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp liên quan đến khoản nợ chưa thống nhất giữa Đầu tư LDG và CTCP Thương mại và Xây dựng Phúc Thuận Phát.

Những doanh nghiệp còn lại cũng không khá khẩm hơn khi kết quả kinh doanh kém sáng, chưa nộp BCTC năm, thậm chí có đơn vị còn liên tục bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Nhà đầu tư thất vọng, cổ phiếu “trượt dài”

Với những lùm xùm xung quanh doanh nghiệp cùng vấn đề tài chính lâu năm, kéo theo đó trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng lớn.

Chẳng hạn, lên HoSE từ năm 2015, thị giá cổ phiếu HNG từng có thời điểm cán mốc gần 35.000 đồng. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, giá cổ phiếu nhanh chóng lao dốc xuống dưới mệnh giá.

Với sự tham gia của ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trưởng Hải, cổ phiếu HNG đã được “nhóm” lên hy vọng và trở lại mức giá cao nhất khoảng 20.000 đồng/cp giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, từ lúc đó, thị giá không những không tăng mà còn liên tục giảm, giờ chỉ dưới một ly trà đá.

Chốt phiên 8/8, cổ phiếu HNG rơi về mức 4.200 đồng/cp. Và hiện HAGL Agrico đã nhận được thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.

Tương tự, giá cổ phiếu TTF liên tục trượt dài, khiến các nhà đầu tư ngày càng thất vọng. Chốt phiên 8/8, cổ phiếu TTF chỉ còn 3.370 đồng/cp, giảm hơn 80% so với mức đỉnh 17.000 đồng/cp thiết lập đầu năm 2022. Hiện tại, cổ phiếu TTF còn đang trong diện cảnh báo của HoSE.

Hay như trường hợp cổ phiếu LDG, từng thu hút nhiều nhà đầu tư với vùng giá 28.000 đồng/cp nhưng hiện tại đã rơi "thảm" về còn chưa tới 2.000 đồng/cp.

Nguyên nhân là công ty này đã dính nhiều lùm xùm, từ việc một số cựu lãnh đạo bị bắt, khởi tố về việc lừa dối khách hàng, chủ tịch bán chui cổ phiếu, nợ bảo hiểm xã hội và nhiều lần khất nợ trái phiếu. Cùng với đó là kết quả kinh doanh bết bát và mới đây là quyết định về việc mở thủ tục phá sản.

Các cổ phiếu còn lại cũng đang ở mức giá rất "bèo": TNT (4.120 đồng/cp), ITA (3.620 đồng/cp), HII (4.890 đồng/cp), PLP (4.830 đồng/cp), HQC (3.540 đồng/cp).

Nhìn chung, trên sàn HoSE – nơi có nhiều yêu cầu và điều kiện ràng buộc khắt khe để được niêm yết hơn sàn HNX, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có xu hướng tìm đến các cổ phiếu có thị giá thấp để đầu tư ngắn hạn. Bởi lẽ chỉ cần bỏ ra số tiền rất nhỏ, nhà đầu tư đã có thể sở hữu cổ phần của một công ty trên sàn Top đầu này, và cũng chỉ cần một dòng tiền vừa đủ đã có thể làm khan lượng hàng trôi nổi trên thị trường và kích thích tâm lý đầu cơ.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nhóm cổ phiếu giá “siêu rẻ” thường lên nhanh nhưng xuống cũng nhanh không kém khi mà chỉ cần một thông tin liên quan cũng có thể đảo chiều giá cổ phiếu.

Thực tế, những cổ phiếu này thường được xếp vào nhóm đầu cơ bởi nội tại doanh nghiệp không được “sáng” như những cổ phiếu thuộc nhóm có vốn hóa lớn và trung bình.

Dù vậy, theo các chuyên gia, nếu nhìn về phía tích cực, cũng có những cổ phiếu được định giá rẻ so với giá trị thực. Giá cổ phiếu thấp chỉ do khó khăn tạm thời của doanh nghiệp từ yếu tố vĩ mô.

Trên thị trường, cổ phiếu còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Do đó, nhà đầu tư cần có những nghiên cứu và phán đoán kỹ càng để đưa ra những quyết định phù hợp nhất đối với những cổ phiếu “rẻ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
4.48 +0.03 (+0.67%)
5.10 -0.30 (-5.56%)
3.12 -0.02 (-0.64%)
4.67 +0.15 (+3.32%)
3.99 -0.06 (-1.48%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả