'Soi' cổ phiếu của 2 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cái tên thường xuyên giao dịch sôi động thu hút sự chú ý của giới đầu tư có thể kể đến "cổ phiếu quốc dân" HPG của Hoà Phát. Đây cũng tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất sàn. Tuy nhiên, thứ tự xếp hạng đã có sự thay đổi.
VN-Index vừa có phiên bứt phá để trở lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm chờ đợi. Bên cạnh nhóm ngân hàng, cổ phiếu FPT của CTCP FPT là một trong những đầu tàu đóng góp đáng kể vào đà tăng của chỉ số chính trong phiên 12/6.
FPT "soán ngôi" Hoà Phát
Đây cũng là phiên cổ phiếu của “ông lớn” đầu ngành công nghệ lập đỉnh mới tại mức giá 132.000 đồng/cp (tính theo giá đóng cửa điều chỉnh). Đồng thời, đánh dấu phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này và là lần thứ 30 từ đầu năm lên đỉnh.
Cùng với đó, giao dịch cổ phiếu FPT diễn ra rất sôi động với hơn 11 triệu đơn vị được khớp lệnh. Giá trị giao dịch lên đến gần 1.500 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán.
Từ đầu năm, thị giá FPT đã tăng 59% đẩy vốn hóa công ty công nghệ này lên cao kỷ lục gần 193.000 tỷ đồng (~8 tỷ USD). Con số này đưa FPT vượt qua Hòa Phát để vươn lên trở thành tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam và xếp thứ 3 trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán, chỉ sau bộ đôi ngân hàng quốc doanh là Vietcombank (VCB) và BIDV (BID).
Còn nếu xét trên toàn sàn chứng khoán bao gồm cả UPCoM, chỉ có thêm 2 doanh nghiệp do Nhà nước chi phối là Viettel Global và ACV có vốn hóa lớn hơn FPT. Đây là 2 "gã khổng lồ" chưa niêm yết với vốn hóa lên đến trên 11 tỷ USD.
Đà tăng của cổ phiếu FPT được hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn ở mức cao hàng năm. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.
Trong khi đó, sau giai đoạn “thăng hoa” trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG liên tục giảm sâu, thậm chí có thời điểm không còn không giữ được vị trí trong top 10 vốn hóa trên sàn chứng khoán khi mà kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá thép.
Mặc dù đã ghi nhận sự hồi phục trở lại mạnh mẽ về cả kết quả kinh doanh cùng giá cổ phiếu, song ngành thép nói chung vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Điều này dẫn tới sức hấp dẫn của cổ phiếu “anh cả” ngành thép cũng bị ảnh hưởng.
Ngành công nghệ đang được đánh giá cao
Trong báo cáo mới nhất, dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Vietcap dự báo tổng sản lượng bán hàng năm 2024 của Tập đoàn Hoà Phát sẽ đạt 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2023. Qua đó, giúp doanh thu cả năm nay tăng 10%, đạt 130.878 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng 123%, đạt 15.144 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Hoà Phát đang đề ra.
Trong đó, Chứng khoán Vietcap nhận định sản lượng bán hàng thép HRC của Hoà Phát trong năm nay sẽ đạt 2,8 triệu tấn, tương đương năm 2023, do công suất của Tập đoàn đã đạt mức tối đa. Đối với mảng tôn mạ, dự kiến sản lượng bán hàng sẽ tăng 10% so với năm 2023, đạt 362.000 tấn.
Mặt khác, việc triển khai “siêu” dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 được dự báo sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm sau, sẽ giúp Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận biên lợi nhuận gộp tốt hơn.
Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán nhận xét định giá của nhóm thép hiện đã ở mức khá cao so với mức trung bình của ngành, P/E đạt 23,1x lần so với mức âm trong bình quân 3 năm qua. Các cổ phiếu nổi bật trong ngành, đứng đầu là Hoà Phát đều đang giao dịch nhỉnh hơn so với mức trung bình, cho thấy triển vọng hồi phục năm 2024 đã bắt đầu phản ánh vào giá cổ phiếu, trong khi vẫn còn những rủi ro ngắn hạn về biến động giá nguyên liệu và sức ép từ thị trường Trung Quốc.
Còn đối với cổ phiếu FPT, Chứng khoán MBS đánh giá cú bắt tay với NVIDIA tạo ra cú hích lớn với FPT. Việc hợp tác toàn diện với NVIDIA để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI generative đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.
Tương tự, Chứng khoán DSC cho rằng việc FPT quyết định đầu tư 200 triệu USD vào "nhà máy AI" và xây dựng lộ trình phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn trong bối cảnh dự kiến thiếu tới hơn 80% nhân lực trong 10 năm tới sẽ tận dụng triệt để được làn sóng đầu tư vào AI tại thị trường nước ngoài.
"FPT sẽ đạt được mức tăng trưởng lần lượt 22% đối với mảng công nghệ thông tin nước ngoài và 21% đối với mảng giáo dục từ năm 2025 nhờ việc đầu tư vào công nghệ mới nhất của NVIDIA hiện tại", báo cáo của DSC nhận định. Những kỷ lục tăng trưởng của FPT gần đây có thể một phần lý giải bởi chiến lược M&A mở rộng của FPT tại các thị trường trọng điểm Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản.
Theo báo cáo tháng 6 của Chứng khoán VNDirect, nhóm cổ phiếu công nghệ, tiêu biểu là FPT dự báo sẽ tiếp tục "dẫn sóng" nhờ sự tăng trưởng vững chắc của hoạt động kinh doanh cốt lõi và triển vọng chất bán dẫn.
Xét về định giá cổ phiếu, theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam, định giá cổ phiếu FPT hiện không rẻ, nhưng không “quá ảo”, bởi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả sinh lời cao.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần chú ý tới việc cổ phiếu công nghệ "hot" FPT bất ngờ lọt danh sách bán ròng, trong bối cảnh thị giá có đà tăng mạnh mẽ, liên tục thiết lập đỉnh cao mới. Do đó, không loại trừ khả năng đây là động thái chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài, bởi đà bán chỉ bắt đầu trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Theo đó, cổ phiếu FPT sẽ rất dễ “đảo chiều” mạnh, bởi đây là cổ phiếu được hầu hết các quỹ ngoại lớn nắm giữ phần lớn trong danh mục quý I/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận