Sếp lớn chi trăm tỷ gom cổ phiếu nhưng không thành
Ông Võ Thành Đàng, sếp lớn của doanh nghiệp Đường Quảng Ngãi liên tục đăng ký mua cổ phiếu nhưng đều không thành công.
CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) vừa công bố thông tin, ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ 17/11-13/12. Kết quả, ông Đàng không mua được cổ phiếu nào, nguyên nhân do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Chốt phiên 13/12, giá cổ phiếu QNS là 44.300 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, nếu mua thành công trên sàn, ông Đàng có thể phải chi 443 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Đàng mua không thành công cổ phiếu của công ty. Từ đầu năm tới nay, ông Đàng đã mua nhiều lần cổ phiếu nhưng không thành công.
Lần gần nhất từ 12/10-10/11, ông Đàng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhưng bất thành. Nguyên nhân cũng do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Trên thị trường chứng khoán gần đây ghi nhận nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu nhưng không thành công hoặc không đủ số lượng như đăng ký.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chỉ mua được 110.000 cổ phiếu từ ngày 8/11-7/12, trong tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký. Nguyên nhân được ông đưa ra là do diễn biến thị trường không phù hợp.
Tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), ông Vũ Doãn Hạnh, Phó Tổng giám đốc chỉ mua được 98.800 cổ phiếu trong tổng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 14/11-13/12.
Ông Lê Bảo Anh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1) đã mua vào hơn 13,7 triệu cổ phiếu trong tổng số 14 triệu đơn vị đăng ký trong thời gian từ 6/11-4/12.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* TRA: Ngày 17/1, CTCP Traphaco chốt đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức đợt 1/2023. Cổ tức tạm ứng bằng tiền, tỷ lệ 20% (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Thời gian thanh toán từ ngày 2/2/2024.
VN-Index
Chốt phiên 18/12, VN-Index giảm 10,42 điểm (-0,95%), xuống 1.091,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 713,16 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.727 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,57%), xuống 225,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,27 triệu đơn vị, giá trị 1.020 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%) xuống 84,88 điểm với 109 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 23 triệu đơn vị, giá trị 310,96 tỷ đồng.
Nhận định thị trường, theo Chứng khoán Vietcombank, phiên đầu tuần mở cửa khá trầm lắng, VN-Index tiếp tục xu hướng giảm điểm của phiên cuối tuần trước. Thanh khoản bán ròng từ khối ngoại gia tăng trở lại ở hầu hết các nhóm ngành, kéo chỉ số chung xuống dưới mức tham chiếu.
Dù đã có lúc lực cầu bắt đáy đã xuất hiện với thanh khoản lớn và đẩy chỉ số chung gần chạm mốc 1.100, tuy nhiên áp lực bán nhanh chóng quay trở lại áp đảo khiến diễn biến chung không ghi nhận thay đổi đáng kể.
Với diễn biến hiện tại, khi VN-Index đang nằm xa đường trung bình động MA20 thì sẽ sớm có xu hướng phục hồi kỹ thuật để bám sát lại đường trung bình động này.
Chứng khoán Yanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể kiểm tra lại mức hỗ trợ 1.085 điểm, sau đó đà hồi phục có thể quay trở lại. Kỳ vọng nhịp hồi có thể sẽ sớm xuất hiện trong phiên tới. Các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo ở nhịp giảm để tránh thiệt hại về giá. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư đã bi quan trở lại với diễn biến thị trường.
Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng để giảm rủi ro ngắn hạn, nhưng các nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo ở nhịp giảm về mức 1.085 điểm của chỉ số VN-Index. Ưu tiên hạ tỷ trọng trong nhịp hồi trong 1-2 phiên tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận