Sau Năm Bảy Bảy, CII muốn thoái tiếp vốn tại Công ty SII
Sau 6 lần liên tiếp thoái vốn tại Năm Bảy Bảy từ cuối năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) muốn thoái tiếp vốn khỏi Công ty Hạ tầng nước Sài Gòn (SII).
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị chấp thuận việc thoái vốn tại Công ty Hạ tầng nước Sài Gòn (HoSE: SII)
Phương án thoái vốn cụ thể hiện chưa được CII công bố. Những vấn đề liên quan được HĐQT ủy quyền cho ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII quyết định.
Được biết, SII là công ty do CII nắm 50,61% cổ phần, tương đương nắm giữ 32,65 triệu cổ phiếu. SII tập trung vào 3 mảng kinh doanh cốt lõi là đầu tư phát triển các dự án về xử lý môi trường nước; dịch vụ kỹ thuật môi trường nước; phát triển dịch vụ vận hành, bảo trì (O&M) trong lĩnh vực môi trường nước. Công ty lỗ 2 năm liên tiếp với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 và 2021 lần lượt là âm hơn 73 tỷ đồng và âm gần 105 tỷ đồng.
Nếu CII thoái toàn bộ vốn tại SII, tạm tính theo thị giá cổ phiếu tại ngày 22/3, thì số tiền thu về có thể lên tới hơn 550 tỷ đồng.
Động thái thoái vốn khỏi SII của CII nối tiếp việc bán ra cổ phần của công ty con liên tục từ cuối năm trước. Cụ thể, từ 26/10 đến 29/10, CII bán ra 6,3 triệu cổ phiếu NBB; từ 9/11 đến 19/11, tiếp tục bán thêm 11,5 triệu cổ phiếu NBB; từ ngày 24/11 đến ngày 14/12/2021 bán ra 3,1 triệu cổ phiếu; từ 12/1 đến 20/1, CII tiếp tục bán thêm 5,2 triệu cổ phiếu NBB.
Từ ngày 25/1 đến 23/2, CII tiếp tục bán thêm 9 triệu cổ phiếu NBB để giảm sở hữu từ 60,13% về còn 51,14% vốn điều lệ.
Như vậy, sau 6 lần thoái liên tục, CII đã giảm sở hữu từ 87,94% về chỉ còn 49% vốn điều lệ tại NBB. Theo kế hoạch của CII, công ty này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại NBB để chuyển từ công ty con sang công ty liên kết.
Ở một diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã có thông báo bổ sung cổ phiếu CII vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 là số âm.
Như vậy, điều này đồng nghĩa các công ty chứng khoán sẽ không được phép cấp margin cho mã cổ phiếu CII trong thời gian tới cho tới khi HoSE cho phép cổ phiếu được giao dịch ký quỹ trở lại.
Xét về tình hình kinh doanh, trong quý IV/2021 CII bất ngờ công bố mức thua lỗ lên đến 375 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 31 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu Công ty giảm phân nửa xuống còn 2.916 tỷ đồng, thua lỗ ròng hơn 341 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, CII cho biết hai quý cuối năm, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Tất cả trạm BOT do CII quản lý phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh trong thời gian giãn cách. Trong khi đó, công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CII, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu thực tế trong năm. Cụ thể, CII đã thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB, thu về số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng. Do Năm Bảy Bảy vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng “lời thật, lỗ giả”.
Năm 2022, CII dự kiến doanh thu đạt hơn 8.010 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với kết quả năm 2021. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ mục tiêu đạt gần 757 tỷ, tăng mạnh so với phần lỗ ròng là 341 tỷ đồng năm 2021 và cũng là mức cao nhất từ năm 2018 tới đây.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/3, cổ phiếu CII tăng kịch trần với giá 34.150 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận