Sau khi Fed tăng lãi suất, VN-Index vẫn tiếp đà đi lên
Lãi suất và tỷ giá duy trì sự ổn định sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành như kỳ vọng, nhưng dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán thì vẫn tiếp tục mạnh mẽ.
Thanh khoản vẫn dồi dào
Sau khi tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp trước đó, giữa tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, dẫn đến lãi suất tham chiếu ở vùng 5,25-5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Đồng thời, Fed vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất trong lần họp tiếp theo vào tháng 9, nhưng đánh giá nền kinh tế tốt hơn so với cuộc họp lần trước.
Tương tự, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức cao nhất trong 23 năm.
Trái chiều với xu hướng lãi suất thế giới, mặt bằng lãi suất Việt Nam vẫn ổn định và tiếp tục đà giảm nhẹ.
Ghi nhận từ thị trường cũng cho thấy nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng 7. Mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với mức trần đặt ra. Chẳng hạn như tại BIDV, biểu lãi suất huy động mới ở kỳ hạn 1 tháng chỉ 3,3%/năm (trong khi các ngân hàng tư nhân quy mô lớn khoảng 4-4,5%), còn lãi suất trên 12 tháng là 6,3%/năm.
Thị trường tỷ giá vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định tương tự với lãi suất. Sau sự kiện Fed tăng lãi suất, tỷ giá trung tâm được thiết lập ở mức 23.753 đồng/đô la Mỹ, giảm nhẹ so với hồi đầu tuần. Tỷ giá niêm yết chào bán tại Vietcombank cũng dao động lên xuống không đáng kể, dù vẫn tăng nhẹ một chút so với hồi cuối tháng 6.
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá thanh khoản thị trường còn dồi dào. Tại hội thảo mới đây, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thậm chí còn cho biết quan điểm điều hành linh hoạt khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong trường hợp “có điều kiện”. Đồng thời sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm giá vốn các khoản vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãnh đạo NHNN bình luận thêm rằng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chính sách ở các nước phát triển tiếp tục xu hướng tăng nhưng đã giảm nhiệt, NHNN tiếp tục giữ ổn định tỷ giá và lợi thế hiện nay đến từ quỹ dự trữ ngoại hối tăng đáng kể trong thời gian qua.
Những lo ngại gần đây của câu chuyện vĩ mô là áp lực tỷ giá, khi lãi suất chính sách tiền đồng đi ngược chiều với thế giới để hỗ trợ kinh tế. Chênh lệch lãi suất cũng có thể tác động đến hướng đi của dòng tiền ngoại. Tuy nhiên, quan sát dòng kiều hối tiếp tục tăng, dòng vốn FDI ổn định, cán cân thương mại thặng dư cùng quỹ dự trữ ngoại hối, thị trường có cơ sở để đặt niềm tin vào sự ổn định của tiền đồng, dù Fed vẫn “úp mở” về đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Chia sẻ tại tọa đàm gần đây, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán SSI, nhìn nhận thông tin Fed tăng lãi suất đã được dự báo từ trước sẽ ít tác động đến thị trường trong nước. “Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, có thể lần cuối trong năm, áp lực với tỷ giá là có. Tuy nhiên xét trong ngắn hạn áp lực với tỷ giá đã giảm. Do đó nếu đây là đợt tăng cuối thì áp lực với chúng ta không còn nhiều”, ông Hưng đánh giá.
Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán
Một diễn biến đáng chú ý trong tuần qua là thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index tăng mạnh lên mức 1.207,7 điểm, tăng 1,8% so với tuần trước đó. Tương tự, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 1,1% và 0,9%.
Ghi nhận đáng chú ý khác là dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán và cả bất động sản. Trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá là tâm điểm của thị trường với mức tăng điểm ấn tượng, đặc biệt là cổ phiếu NVL của tập đoàn Novagroup (tăng 21,1%), hay DXG của Tập đoàn Đất Xanh (tăng 15%). Nhóm ngân hàng cũng góp phần dẫn dắt thị trường với cổ phiếu Vietcombank tăng 4,6%, VPBank tăng 3,3%, Techcombank tăng 4,6%.
Dòng tiền đổ về thị trường trong tuần qua cũng tăng lên đáng kể. Theo số liệu của Công ty chứng khoán VNDirect, thanh khoản tăng mạnh trong tuần qua với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn đạt 23.508 tỉ đồng, tương ứng tăng 15,5% so với tuần trước.
Theo ông Phạm Việt Duy, Trưởng nhóm Thị trường, Khối Phân tích của VNDirect, thị trường có chút lưỡng lự và “rung lắc” đầu tuần do tâm lý thận trọng chờ đợi cuộc họp của Fed về chính sách tiền tệ vào giữa tuần. Tuy nhiên, sau đó mọi thứ diễn ra đúng như thị trường kỳ vọng, VN-Index có nhịp tăng khá mạnh vào cuối tuần.
Theo ông Duy, thị trường duy trì đà tăng điểm ấn tượng nhờ những tín hiệu phục hồi trong kết quả kinh doanh quí 2 của một số doanh nghiệp niêm yết. Cuộc họp của Fed cũng mang đến vài thông tin tích cực khi thị trường kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ.
“Các yếu tố trên kết hợp với sự hưng phấn của nhà đầu tư sau những tuần tăng giá liên tiếp đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện những phiên rung lắc mạnh”, ông Duy nói.
Sau nhịp tăng điểm dài trong thời gian gần đây, áp lực tâm lý trên thị trường ngày càng lớn hơn khi hầu hết các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng thị trường đang ở trạng thái “quá mua”. Do đó, các khuyến nghị đều tập trung vào việc điều chỉnh trạng thái tâm lý và hạn chế “mua đuổi” ở giai đoạn này, mặc dù dự báo đưa ra cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục “leo dốc” để kiểm định lại mốc 1.220-1.240 điểm.
Trong báo cáo tuần qua, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá dòng tiền đổ vào mạnh trong thời gian qua đã giúp VN-Index tăng điểm mạnh mẽ. Tuy nhiên nếu muốn tiếp tục tăng điểm, dòng tiền sẽ phải được “bơm” vào để duy trì giá trị giao dịch tiếp tục ở mức cao và ổn định trong thời gian tới. Câu hỏi là dòng tiền sẽ được duy trì tới bao lâu trong bối cảnh vĩ mô hiện nay?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận