Sắp đánh thuế tài sản nhà ở để hạn chế đầu cơ bất động sản?
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản, như thuế tài sản nhà ở, nhằm ổn định thị trường và hạn chế đầu cơ.
Nội dung trên được đề cập trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.
Đáng chú ý, cơ quan này cũng được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai việc thực hiện xây dựng chương trình phát triển nhà ở của các địa phương.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng chủ trì đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nhà ở và tình hình thực tế. Bộ này còn được giao nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển nhà ở, xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho từng nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, bổ sung các quy định nhằm xác nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với các bất động sản nhà ở mới, sản phẩm bất động sản hình thành hợp pháp có chức năng lưu trú. Đồng thời, chủ trì rà soát hoàn chỉnh quy định theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính trong quá trình giao đất cho các dự án phát triển nhà ở theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới thế chấp bất động sản nhằm khai thác khả năng huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển bất động sản nhà ở; chỉ đạo, điều hành hệ thống tín dụng đảm bảo chính sách tín dụng an toàn, ổn định cho lĩnh vực này.
Tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản
Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, trong đó có hoạt động giao dịch kinh doanh nhà ở; góp phần quản lý thông tin giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người dân khi kinh doanh bất động sản qua các sàn giao dịch bất động sản.
Cụ thể, khuyến khích việc giao dịch kinh doanh bất động sản qua sàn để công khai, minh bạch. Các nhà ở, bất động sản có sẵn, đã được cấp giấy chứng nhận không bắt buộc thực hiện giao dịch qua sàn.
Đáng chú ý, chiến lược cũng đặt mục tiêu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định việc giao dịch qua sàn đối với một số loại bất động sản hình thành trong tương lai của doanh nghiệp, chủ đầu tư (như: nhà ở hình thành trong tương lai, bất động sản lưu trú hình thành trong tương lai) để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng đề cập tới việc tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản, trong đó có hoạt động môi giới kinh doanh nhà ở của các tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, chiến lược định hướng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối với cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, bao gồm: chuẩn hoá việc đào tạo, thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản đăng ký, tham gia hoạt động (theo doanh nghiệp, văn phòng, hội,…) để có tổ chức quản lý./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận