24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hiểu Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sản xuất xi măng gặp khó vì giá than tăng cao

Do chi phí sản xuất, giá than tăng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đang phải đối diện với khủng hoảng “kép”

Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, mức giá than nội địa trước đây khoảng 1,8 triệu đồng/tấn nhưng hiện tăng lên 4 triệu đồng/tấn, trong khi giá than nhập khẩu tăng lên gần 5 triệu đồng/tấn.

Do chi phí sản xuất, giá than tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng trong nước đang phải đối diện với khủng hoảng “kép” khi càng sản xuất càng lỗ nặng.

“Khó thở” vì giá nguyên liệu

Có công suất sản xuất hơn 20 triệu tấn/năm, ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai xác nhận, từ Tết Nguyên đán đến giờ, The Vissai đã phải vật lộn để duy trì mức hòa vốn, mong qua cơn bĩ cực. Nhưng từ đầu tháng 7 khi giá than tiếp tục tăng, DN đã không thể chống đỡ nổi.

Bế tắc vì giá than được xem là tình cảnh chung của ngành sản xuất xi măng hiện nay, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, mức giá than nội địa trước đây chỉ rơi vào khoảng 1,8 triệu đồng/tấn nhưng hiện tăng lên 4 triệu đồng/tấn, trong khi giá than nhập khẩu tăng lên gần 5 triệu đồng/tấn.

Trước áp lực tăng chi phí đầu vào (giá than, xăng dầu), ngành xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá bán, với biên độ tăng cả 3 lần từ 220.000 đến 270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu. Tuy nhiên, mức tăng giá này chưa giúp nhà sản xuất, DN xi măng “dễ thở”, xuất hiện tình trạng một vài nhà máy phải dừng lò nghiền clinker do càng sản xuất càng lỗ.

Chi phí sản xuất tăng mạnh buộc DN phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm nay, ông Lê Nam Khánh - Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) - thừa nhận, so với giá 50 - 60 USD/tấn trong tháng 10/2020, giá than nhập khẩu ở thời điểm những tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp 8 lần.

Khủng hoảng kép

Cùng với giá than nhập khẩu, giá than trong nước cũng tăng mạnh. Phía Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có động thái khi 2 lần phải điều chỉnh, tăng giá bán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu mọi ngành hàng đều gặp áp lực do dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá nguyên, nhiên liệu tăng cao thì xi măng còn đối diện với khủng hoảng “kép” khi chi phí sản xuất của ngành gia tăng và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng.

Với 3 dây chuyền sản xuất lớn, Vicem Hoàng Thạch cũng khá chật vật với việc tiêu thụ trong tình hình ngành xi măng đang thừa cung.

Ông Lê Xuân Khôi - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vicem Hoàng Thạch cho rằng, nếu giá nguyên, nhiên liệu tăng quá mức, phía công ty cũng phải tính toán đến kịch bản đóng một lò nung.

Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, xuất khẩu xi măng trong những tháng đầu năm nay đã đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng, giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, từ nay đến hết năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành xi măng vẫn đang duy trì chính sách Zero COVID, giảm nhập khẩu xi măng và clinker từ Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường Philippines, Bangladesh... lại đang gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Đơn cử, Philippines đã áp thuế chống bán phá giá với xi măng, nhiều DN đang phải chịu mức thuế trên 10 USD/tấn.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam mới đây cũng đã nêu ra một loạt thách thức mà ngành xi măng phải đối mặt. Ông Cung cho biết, trước đó, giá than nhập khẩu là khoảng 210 - 220 USD, trong khi đó nguyên liệu than chiếm 56% trong giá thành sản xuất clinker. Hầu hết nhà máy xi măng đều sản xuất vượt công suất thiết kế khi đẩy mạnh năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật… Kéo theo đó là nguyên vật liệu đầu vào cũng phải tăng, dẫn đến tình trạng khai thác tăng vượt mức được cho phép. Bài toán này là hết sức khó khăn đối với các nhà máy.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, với giá than cao như vậy đang đẩy nhiều dây chuyền sản xuất vào cảnh phải dừng hoạt động. Vì khi giá xi măng tăng thì nhà thầu xây dựng cũng chịu tác động, giá đội lên thì phải dừng thi công hoặc không sẽ thua lỗ. Không chỉ ngành xây dựng, xi măng gặp khó khăn mà viễn cảnh này có thể gây hệ lụy cho cả nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả